Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Hòa thượng Tịnh Không giảng, tập 597
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa.
Chủ giảng: Lão Pháp Sư thượng Tịnh hạ Không.
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội.
Thời gian: Ngày 5 tháng 4 năm 2010.
Người dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa.
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang.
Thu Âm: Trung tâm Diệu Pháp Âm.
Diễn đọc: Huy Hồ.
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, mời ngồi xuống. Mời quý vị xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 785, hàng thứ bảy:
“Thế Tôn thùy từ, lại khuyên dụ người có trí tuệ, bác học đa văn, nên tin những điều Như Lai dạy đều khế hợp với thật tướng lý thể. Trong kinh như lý mà nói, hoàn toàn chân thật. Nên nói phải tin vào những gì ta dạy là lời nói như thật”, đây là “phước tuệ thỉ văn”, đoạn sau cùng là khuyên dạy. Thế Tôn từ bi vô tận, ở đây chúng ta có thể lãnh hội được.
“Lại khuyên dụ người bác học đa văn, có trí tuệ”. Câu này người trong thời đại chúng ta gọi là phần tử tri thức, đặc biệt là phần tử tri thức cao cấp, phải tin vào những gì Như Lai chỉ dạy, vì sao vậy? Vì phần tử tri thức là người thông minh, không phải người ngu si. Có trí tuệ, có năng lực phân biệt tà chánh thị phi, người thế gian đại đa số không thể tiếp thu. Nói người có trí tuệ cứu cánh viên mãn, không thể tiếp thu điều này, đây là gì? Đây là mê tín. Giống như sự khen ngợi đối với thần trong Tôn giáo, là toàn tri toàn năng. Đặc biệt là người nghiên cứu khoa học, không tiếp thu tư tưởng này. Trên thế gian tuyệt đối không có người nào là toàn tri toàn năng. Tri thức đều là đang tìm kiếm, đang truy tìm.
Quý vị xem mấy trăm năm nay, các nhà khoa học phát hiện ra định luật, cách mấy mươi năm sau các nhà khoa học khác đã lật đổ nó, phát hiện ra định luật mới. Qua mấy mươi năm sau nữa, lại có người lật đổ nó. Bởi thế hiện nay các nhà khoa học cũng thừa nhận, họ nói không có thứ gì là chân lý tuyệt đối. Khoa học đổi mới từng ngày, hai ba mươi năm sau lại có phát hiện mới, cái cũ bị đào thải. Trên thế giới làm gì có người có trí tuệ viên mãn? Vấn đề này thật sự có thể khiêm tốn học tập cổ nhân, không được coi thường cổ nhân, cho rằng những gì cổ nhân biết được đều đã lạc hậu, bây giờ là thời đại khoa học kỹ thuật, tất cả đều trở nên không có giá trị. Tư tưởng này phủ định tất cả những gì của cổ nhân để lại.
Chúng ta rất may mắn, vô cùng may mắn, có thể tiếp xúc được giáo huấn của thánh hiền, tiếp xúc được kinh điển Phật giáo, biết được thật sự có đấng toàn tri toàn năng, là ai? Chính là bản thân chúng ta, vì sao nói như vậy? Trong kinh Đức Phật nói rất hay: “Tất cả chúng sanh vốn là Phật”, bản thân chúng ta không biết, bậc toàn tri toàn năng là ai? Chính là bản thân mình. Chúng ta nghe như vậy nhất định lắc đầu, tôi không được, tôi không làm được, quý vị không làm được, vì sao không làm được? Vì quý vị không tin vào bản thân, có toàn tri toàn năng chăng?
Lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, biễu diễn cho chúng ta thấy, đại triệt đại ngộ dưới cây Bồ Đề, ngài ngộ điều gì? Ngộ trong tự tánh vốn có đầy đủ trí tuệ đức tướng. Sau khi khai ngộ ngài nói với chúng ta mỗi người đều có, vậy tại sao chúng ta không thể hiện tiền? Đức Phật nói, vì quý vị có chướng ngại, chướng ngại gì? Vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não. Chính ba loại phiền não lớn này đã chướng ngại trí tuệ đức tướng của quý vị, chứ không có mất đi, chỉ vì có chướng ngại nên không hiển lộ được. Chỉ cần buông bỏ chướng ngại, thì trí tuệ đức năng trong tự tánh hoàn toàn hiển lộ ra. Đó là toàn tri toàn năng, vô sở bất tri, vô sở bất năng. Lời này là thật chăng?
Thật hiếm có, vào thời nhà Đường, ở tỉnh Quảng đông xuất hiện đại sư Huệ Năng, vị tổ thứ sáu của Thiền tông. Ngài không được đi học, không biết chữ, là một hiếu tử, người đặc biệt trung hậu, người nông thôn. Hằng ngày ngài đốn củi gánh vào trong thành bán, bán củi mua một ít gạo một ít rau đem về nuôi mẹ già, cùng mẹ già nương tựa nhau sống qua ngày. Cha qua đời, chỉ còn lại hai mẹ con. 24 tuổi, còn rất trẻ, ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát của Đức Thế Tôn cho ngài, trở thành vị tổ đời thứ sáu của Thiền tông, dựa vào điều gì? Ngài đã buông bỏ. Trên thực tế, trong đời ngài thật sự nghe kinh, chỉ nghe được một lần, một bài giảng nhiều nhất là hai tiếng. Ngài nghe xong thật sự buông bỏ, cùng một lúc buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Đây nghĩa là đại triệt đại ngộ, giống như cảnh giới đại triệt đại ngộ của Đức Thế Tôn dưới cội Bồ Đề. Tất cả pháp mà Đức Thế Tôn thuyết giảng trong suốt 49 năm ngài thông đạt hết. Trên thực tế ngài không biết, nhưng quý vị đem kinh đến hỏi ngài đều biết, nếu không hỏi ngài không biết gì cả, đây là Phật pháp. Quý vị hỏi ngài về những pháp thế gian, ngài thông thạo hết, không có gì không thông triệt. Đây nghĩa là toàn tri toàn năng, đúng là người thật việc thật. Trí tuệ không phải học được, năng lực không phải học mà được, phước báo không phải học mà có, là trong bản tánh chúng ta đầy đủ viên mãn, không thiếu thứ gì.
Đại sư Huệ Năng biểu diễn cho chúng ta thấy, 2000 năm nay, gần 2000 năm nay. Phật giáo truyền đến Trung quốc, chính thức truyền đến vào năm 67 công nguyên, đến 2067 là tròn 2000 năm, đã gần 2000 năm. Các bậc đại đức học Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, người đạt đến cảnh giới như Đức Thế Tôn, như ngài Huệ Năng rất nhiều, không phải chỉ mình ngài. Sự nổi bật của ngài Huệ Năng, chính là ngài có bản lĩnh cùng một lúc buông bỏ hết tất cả, điều này rất khó được.
Thông thường người thật sự tu hành, có người năm ba năm buông bỏ, có người tám mười năm buông bỏ, có người hai ba mươi năm buông bỏ. Chỉ cần buông bỏ, cảnh giới hoàn toàn tương đồng, đại sư Huệ Năng một lần đồng thời buông bỏ, người như vậy rất hiếm có. Ngài biểu diễn hoàn toàn tương đồng với Đức Thế Tôn, gọi là đốn xả, đốn ngộ, đốn tu, đốn chứng, chỉ trong một niệm ngài đầy đủ tất cả. Điều này đã nói rõ cho chúng ta, chuyển phàm thành thánh không phải là chuyện khó, chỉ cần ta buông bỏ được là vấn đề được giải quyết.
Ngày nay chúng ta không dễ buông bỏ, vì sao vậy? Vì tâm chúng ta bị nhiễm ô nghiêm trọng. Vì sao ngài Huệ Năng buông bỏ dễ dàng như vậy? Ngài rất đơn thuần, không có ô nhiễm, nên dễ buông bỏ. Chúng ta mỗi ngày đều bị nhiễm ô, còn công việc của ngài rất đơn giản, mỗi ngày lên núi đốn củi, chặt xong gánh vào thành bán. 24 tuổi, vẫn là một người vô cùng đơn thuần, người trung hậu thật thà, thông thường chúng ta gọi là người không có mưu toan, Phật pháp nói không có vọng niệm. Trong tâm chỉ có mẹ già, chúng ta tin rằng ngoài người mẹ già ra, trong lòng ngài không có gì cả, dễ dàng khai ngộ. Khai ngộ rồi gọi là một nghe ngàn ngộ, thông đạt mọi thứ, vì sao vậy? Vì tất cả pháp thế xuất thế gian là tâm tưởng sanh. Chúng ta tìm ra tâm năng sanh năng tưởng đó, không phải hoàn toàn được giải quyết rồi sao? Tất cả pháp không rời tự tánh, bởi thế minh tâm kiến tánh, trí tuệ đức năng trong tự tánh hoàn toàn hiện tiền. Chúng ta hiểu được đạo lý này, mới biết thế gian này thật sự có người trí tuệ viên mãn, chỉ cần tâm ta thanh tịnh bình đẳng giác ngộ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh bình đẳng giác, những gì ngài dạy là thật tướng lý thể, nghĩa là ngài thấu triệt tất cả chân tướng của nhân sinh vũ trụ. Tất cả kinh điển đức Phật nói trong suốt 49 năm, những kinh điển này đều là như lý mà nói, toàn là chân tướng sự thật, cho nên chỉ nói chân thật. “Nên nói, phải tin vào những gì Ta dạy là như thật”. Câu nói này của Phật, chúng ta nghe xong có cảm nhận như thế nào? Cần phải tin tưởng. Ta là Đức Phật tự xưng, những gì ngài nói, những gì ngài dạy là như thật, hoàn toàn tương ưng với chân tướng sự thật. “Nay nói niệm Phật là pháp hành siêu Phổ Hiền”, đến đây là nói đến đoạn sau của kinh này, nói đến phần kết, đã nói ra câu này. Niệm Phật đích thực là đại pháp hành siêu Phổ Hiền. “Nên gọi là diệu pháp, diệu pháp khó gặp, khó nghe, khó tin như vậy”. Ba cái khó. Gặp được Phật pháp là khó, nghe được Phật pháp là khó, sau khi nghe xong có thể tin tưởng lại càng khó hơn. Tin rồi quý vị thực hành, y giáo phụng hành, như vậy quý vị sẽ thành Phật ngay trong đời này, vì sao vậy? Vì bốn cái khó, năm cái khó quý vị đều thông qua hết.
“Ngày nay ta may mắn được nghe”, ta ở đây là chúng ta, ngày nay chúng ta may mắn gặp được nghe được. “Nên phải tin hiểu thọ trì”, chúng ta cần phải tin, tin thật, phải tiếp thu, phải y giáo phụng hành. Y giáo phụng hành chính là niệm Phật, “thời thời niệm Phật”, hoàn toàn thấu rõ ràng minh bạch hai chữ niệm Phật này, không đơn giản.
Điều sau cùng trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “thâm tín nhân quả”, tức là nói đến điều này. Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả, không phải là Phật bình thường, là cứu cánh Diệu Giác, cho nên vượt qua Phổ Hiền, Phổ Hiền là Bồ Tát Đẳng Giác. Chúng ta dùng câu này để giải thích “thâm tín nhân quả” trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, người tu học đại thừa sẽ hiểu, đây không phải là nhân quả thường. Nhân quả thường thiện có thiện báo, ác có ác báo, phàm phu như chúng ta đều biết, chẳng lẽ Bồ Tát không biết sao? Điều sau cùng trong Tam Phước là của Bồ Tát, khuyên Bồ Tát thâm tín nhân quả, hiển lộ ra pháp môn niệm Phật này rất khó, đến Bồ Tát còn khó tin, huống gì là phàm phu? Khó tin có thể tin, đây thật sự là người có thiện căn, thật sự có phước báo, họ có thể y giáo phụng hành.
Thời thời niệm Phật, “tự mình vui mừng sâu sắc”, thật vậy, nếu hiểu được, ngày ngày niệm Phật bản thân cảm thấy vô cùng may mắn, vô cùng hoan hỷ, vì sao vậy? Bao nhiêu Bồ Tát đều đang do dự chưa quyết định, khi nghe Phật khai thị như vậy, vẫn không có chủ ý, bán tín bán nghi. Mấy chữ tự mình vui mừng sâu sắc này ý nghĩa của nó vô cùng tận. Trong Luận Ngữ nói: “Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ”, cũng không đạt được cảnh giới tự mình vui mừng sâu sắc này. Thật sự đã hiểu được, dùng tâm chân thành niệm Phật, dùng tâm cảm ân niệm Phật, thật sự phải cảm ân.
“Hơn nữa, người niệm Phật nhờ ánh sáng từ bi của Đức Phật nhiếp thọ, cấu diệt thiện sanh, tâm ý nhu nhuyến”. Người thật sự niệm Phật, chắc chắn là pháp hỷ sung mãn, nhất định là vô cùng hoan hỷ. Khi tiếp xúc với họ, quý vị cảm thấy họ nhu hòa, họ tùy thuận, họ phóng ánh sáng trí tuệ, có thể khiến tất cả chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Cấu uế, cấu là phiền não, không có phiền não, không có ưu tư, không có vướng mắc, không có thị phi nhân ngã, họ ngày càng gần với tự tánh. Thiện ở đây không phải là thiện của thiện ác, thiện này là minh tâm kiến tánh, họ từng bước từng bước tiếp cận minh tâm kiến tánh.
“Tâm ý nhu nhuyến, thân được nhẹ nhàng, tâm sanh hoan hỷ”, người niệm Phật chắc chắn là như vậy, đây là thọ dụng chân thật. Giống như trong kinh này nói đến ba điều chân thật: Trí tuệ chân thật, lợi ích chân thật, rốt ráo chân thật. Như trong Quán Kinh nói: “Phu nhân Vi Đề Hy, vì thanh tịnh quang minh của cõi nước Phật A Di Đà đột nhiên hiện ra trước mắt, lập tức bà được vô sanh pháp nhẫn”. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Từ đây chúng ta biết được, phu nhân Vi Đề Hy có lai lịch, là chúng tại gia Ưu bà di. Đức Thế Tôn đem cõi nước của mười phương Chư Phật, hiển bày ra cho bà thấy để tự bà lựa chọn. Bà gặp phải thảm họa, con trai bất hiếu, con trai giết cha đoạt vương vị, còn muốn hại mẹ. Bà không còn cách nào khác, cầu Đức Thế Tôn, Phật liền thị hiện đến trước mặt bà. Bà đem những thống khổ của mình thuật lại với Đức Thế Tôn, Đức Phật đều biết. Bà cầu xin Phật, biết rằng thế giới này rất lớn, vậy có thế giới nào không có sanh ra những ác trược này, bà muốn vãng sanh. Đức Phật không giới thiệu cho bà, chỉ đem cõi nước của mười phương Chư Phật hiển bày ra cho bà thấy, để tự bà lựa chọn. Bà cũng thật hiếm có, bà đã chọn thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Bởi thế thanh tịnh quang minh của thế giới Cực Lạc, đột nhiên hiện ra trước mắt, bà nhìn thấy được, nhìn thấy liền được vô sanh pháp nhẫn.
Đại sư Thiện Đạo nói: “Phu nhân Vi Đề Hy đạt được vô sanh pháp nhẫn là hỷ nhẫn, ngộ nhẫn và tín nhẫn”. Đại sư Thiện Đạo không phải phàm phu, nhiều người đều biết ngài là Phật A Di Đà tái sanh. Hay nói cách khác, lời của đại sư Thiện Đạo nghĩa là lời của Phật A Di Đà.
Vô sanh pháp nhẫn là gì? “Lý, chân lý vốn không sanh không diệt, nhưng ngày nay nói không sanh, nên gọi là vô sanh- vô sanh nghĩa là bất sanh. Gọi là pháp vô sanh của Bồ Tát, nhẫn khả nhẫn lạc, bất động bất thoái, gọi là vô sanh pháp nhẫn”. Bồ Tát khế nhập cảnh giới này. Nhẫn gọi là thừa nhận, gọi là đồng ý, hoàn toàn khẳng định không hề hoài nghi, đích thực là không sanh không diệt. Bởi thế Bồ Tát không động tâm, chúng ta thường nói không khởi tâm, không động niệm, như như bất động. Bất động đương nhiên họ sẽ bất thoái, đây là cảnh giới gì? Trong giáo lý đại thừa nói là thất địa trở lên, thất địa trở lên là bát địa, đây là thiền định cao cấp, không phải thiền định thông thường.
Phật Học Đại Từ Điển có giải thích đơn giản rằng: “Vô sanh pháp nhẫn, thuật ngữ nói lược là vô sanh nhẫn. Pháp vô sanh là chân như thật tướng lý thể viễn ly sự sanh diệt”. Đây là nói đến điều gì? Phải viễn ly sanh diệt, sanh diệt là giả, có sanh có diệt. Sau khi lìa pháp sanh diệt, liền xuất hiện pháp không sanh không diệt, chính là bản thể mà triết học ngày nay nói.
Pháp sanh diệt từ đâu mà có? Là từ bất sanh bất diệt xuất hiện, bất sanh bất diệt là vĩnh hằng, điều này rất khó hiểu. Bản thể của vũ trụ vạn hữu, vạn hữu vũ trụ là pháp sanh diệt. Hiện nay giới khoa học cũng nói một câu, có từ đâu đến? Có đến từ không, trong không sanh ra có. Không nghĩa là pháp vô sanh, không có sanh diệt, sanh diệt đến từ vô sanh diệt. Vì vậy không sanh không diệt là bản thể của tất cả pháp sanh diệt. Pháp bất sanh bất diệt chúng ta không nhìn thấy được, cũng không nghĩ đến được. Chúng ta có thể thấy được là hiện tượng vật chất, chúng ta có thể suy nghĩ đại khái là hiện tượng tâm lý và hiện tượng tự nhiên. Bất sanh bất diệt cả ba loại hiện tượng này đều không phải, nhưng nó có thể sanh ra ba loại hiện tượng này, năng sanh năng hiện. Mà ý niệm chúng ta chính là tâm tưởng, tư tưởng, có thể khiến những hiện tượng này sanh ra biến hóa, biến hóa không cùng tận. Đạo lý này cũng rất khó hiểu, vì sao biến hóa không cùng tận? Đạo lý này chúng ta có thể dùng ống vạn hoa để thể hiện nó. Kết cấu của ống vạn hoa vô cùng đơn giản, ba miếng thủy tinh, để vào trong đó mấy miếng giấy vụn màu sắc khác nhau, lớn nhỏ khác nhau, tùy tiện để vào mấy miếng. Nó có giới hạn, quý vị có thể đếm được, nhưng để vào trong ống vạn hoa, chỉ cần quý vị xoay ống vạn hoa, là nó biến hóa vô cùng. Nếu xoay nó suốt ngày từ sáng đến tối, mỗi lần xoay quý vị chụp lại một tấm hình. Dù xoay suốt ngày cũng không thấy được hai tấm tương đồng, xoay một năm cũng không có hai tấm như nhau.
Sự huyền bí giữa vũ trụ, hoàn toàn giống với đạo lý này. Nếu không động, không động thì nó không xoay, định vào một hiện tượng này, định vào một hiện tượng này là gì? Trong giáo lý đại thừa gọi là cõi thật báo trang nghiêm, nó định vào đây không thay đổi. Thập pháp giới thì sao? Thập pháp giới đang động, nên thập pháp giới thiên biến vạn hóa. Sự biến hóa này chỉ có Đức Phật biết, đúng là chỉ có Phật cùng Phật mới thấu tột được. Bồ Tát Đẳng Giác, trong kinh thường nói bát địa Bồ Tát trở lên đều biết, biết mơ hồ, không rõ ràng. Chỉ có Phật cùng Phật mới có thể rốt ráo, thấu tột rõ ràng, đây là tánh đức. Nên nó gọi là chân như, gọi là thật tướng, lý thể của vũ trụ vạn hữu.
“Chân trí an trú vào đây mà bất động, nên gọi là vô sanh pháp nhẫn”. Đối với Viên giáo sơ địa có thể chứng được. Hoặc nói thất địa, bát địa, cửu địa có thể đạt được, vì thập địa là tịch diệt nhẫn, đây là cao nhất, thanh tịnh tịch diệt. Thập địa là hạ phẩm tịch diệt nhẫn, Đẳng giác là trung phẩm, Diệu giác là thượng phẩm. Thất địa là hạ phẩm vô sanh pháp nhẫn, bát địa là trung phẩm, cửu địa là thượng phẩm. Trong kinh điển đại thừa có nói như vậy.
Bảo Tích Kinh Nhị Thập Lục nói: “Vô sanh pháp nhẫn, nên tất cả pháp vô sanh vô diệt nhẫn”. Trong Kinh Bảo tích nói, tất cả các pháp không sanh không diệt, đã thấy được chân tướng sự thật. Nếu chúng ta chưa đọc đến đối thoại của đức Thế Tôn và Bồ Tát Di Lặc, đích thực chúng ta không lãnh hội được, cảnh giới này quá huyền diệu. Trong chú giải Duy Ma Kinh Nhất nói_Nhất là quyển thứ nhất, Kinh Duy Ma quyển thứ nhất: “Triệu viết”, đại sư Tăng Triệu nói: “Vô sanh nhẫn, giống như ở trên không khởi pháp nhẫn, pháp nhẫn tức huệ tánh”, nghĩa là trí tuệ chân thật. “Thấy pháp vô sanh”, họ thật sự thấy được, tất cả pháp vô sanh.
Giống như Bồ Tát Di Lặc nói: Một khảy móng tay có 32 ức 100 ngàn niệm, có sanh chăng? Có sanh, có sanh vì sao nói vô sanh? Có sanh nghĩa là vô sanh, sanh tức vô sanh, vô sanh tức sanh, thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật. “Tâm trí tịch diệt”, tâm trí tịch diệt là gì? Hoàn toàn buông bỏ vọng tưởng phân biệt chấp trước, trở về con số không. “Kham thọ bất thoái, nên gọi là vô sanh pháp nhẫn”, họ có thể tiếp nhận, không hoài nghi, không thoái chuyển.
Trí Độ Luận quyển 73, Trí Độ Luận 100 quyển, quyển 73 có một đoạn nói: “Vô sanh nhẫn, thậm chí pháp vi tế bất khả đắc, huống gì lớn, nên gọi là vô sanh. Được pháp vô sanh này, không tạo không khởi các hành nghiệp”, ở đây chữ hành dùng làm động từ. “Nên gọi là đắc vô sanh pháp nhẫn, được vô sanh nhẫn bồ đề, gọi là A bệ bạt trí”, nghĩa là trong kinh này gọi là A Duy Việt Trí, trong Kinh Di Đà gọi là A bệ bạt trí, đây là tiếng Phạn. “Thậm chí pháp vi tế bất khả đắc”, cực kỳ vi tế, quý vị thử nghĩ xem, 1 giây 1600 triệu lần sanh diệt, sanh diệt này chúng ta có thể đạt được chăng? 1/1600 giây là những gì Bồ Tát Di Lặc thấy được. Thời gian tồn tại hiện tượng này, trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận”, vừa sanh ra lập tức không còn. Bởi thế Đức Phật mới nói: Tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc. Thế giới mà ngày nay chúng ta nhìn thấy, chính là huyễn tướng bất khả đắc này, tích lũy cho chúng ta thành một cảm giác sai lầm. Lầm tưởng rằng là thật, thật ra hoàn toàn không có. Chẳng những mười pháp giới không có, đến nhất chân pháp giới cũng không phải thật. Bây giờ chúng ta đã hiểu rõ, nhất chân pháp giới là tập khí vô thỉ vô minh, nó dừng lại ở đó, bất sanh bất diệt. Nhưng sau khi đoạn tận tập khí, nó đột nhiên không còn, tức là trở về con số không. Trở về số không nghĩa là trở về tự tánh, trở về với bản thể, trở về đến vô sanh.
Chúng ta bây giờ là sanh diệt, ý niệm của chúng ta niệm trước diệt niệm sau sanh, chúng ta không có cảm giác. Như cảm giác của Bồ Tát Di Lặc, một giây ý niệm của chúng ta sanh diệt bao nhiêu lần? Là 1600 triệu lần. Chúng ta xem film, film đèn chiếu của điện ảnh một giây sanh diệt 24 lần. 24 lần chúng ta đã không nắm bắt được, huống gì một giây 1600 lần sanh diệt, làm sao nắm bắt được? Khởi một ý niệm, Bồ Tát Di Lặc nói: thời gian một khảy móng tay có 32 ức 100 ngàn niệm. 32 ức 100 ngàn niệm là 320 triệu, nên Đức Phật mới nói là bất khả đắc, ta đạt được là giả không phải thật. Tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc, tuyệt đối đừng cho rằng nó là thật, đây là vô sanh pháp nhẫn, chứng được vô sanh pháp nhẫn tức là Bồ Tát A Duy Việt Trí.
Như vậy chúng ta biết được, niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đến thế giới Cực Lạc, mặc dù là cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, Phật A Di Đà dùng oai thần bổn nguyện, trên thực tế là công đức 48 nguyện và năm kiếp tu hành gia trì chúng ta. Không có công đức lấy gì để gia trì? Ngài thật sự tu hành, thời gian năm kiếp tu 48 nguyện, dùng công đức này gia trì. Trí tuệ, thần thông, đạo lực của chúng ta không khác gì Bồ Tát A Duy Việt Trí, bằng với Bồ Tát trên thất địa. Điều này trong thế giới của tất cả mười phương Chư Phật không có, chỉ thế giới tây phương Cực Lạc có.
Tôi không tin, có thể là gạt người. Trước đây khi tôi còn trẻ, thầy Lý khuyên tôi, thái độ tôi chính là như vậy. Thầy Lý nói, anh xem ngày xưa nhiều người như vậy bị lừa gạt, chúng ta bị gạt một lần có gì đáng ngại đâu? Thầy đã nói như thế với tôi, bây giờ cảm ân, lúc đó không thể hoàn toàn tiếp thu. Bây giờ biết được dụng tâm của thầy rất gian nan, muốn chúng ta tin vào pháp môn này. Chúng tôi còn quá trẻ, trí tuệ và định công đều chưa đạt được, nên nghe mà không thể tiếp thu. Bây giờ chúng tôi đã trải qua 60 năm huân tập, đối với vấn đề này hoàn toàn không còn hoài nghi. Chỉ cần vãng sanh Tịnh độ, tất cả đều thành tựu viên mãn.
Đại sư Thiện Đạo nói, phu nhân Vi Đề Hy đạt được là hỷ nhẫn, ngộ nhẫn, tín nhẫn, đây cũng là ba loại nhẫn mà Tịnh độ nói đến, ba loại nhẫn.
“Hiện” là xuất hiện, đây là cảm ứng, xuất hiện. Lúc thấy Phật A Di Đà, tâm sanh hoan hỷ, được vô sanh pháp nhẫn, gọi là hỷ nhẫn”, do hoan hỷ mà đạt được. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói: “Thấy điều vi diệu an lạc ở cõi nước này tâm sanh hoan hỷ, tức thời đạt được vô sanh pháp nhẫn”, tức là ý này. Trong phần tựa của Quán Kinh nói: Thanh tịnh quang minh của cõi nước Phật A Di Đà đột nhiên hiện ra trước mắt, có gì vui mừng hơn, vô lượng hoan hỷ. Nhờ niềm vui này mà được vô sanh nhẫn, cũng gọi là hỷ nhẫn, cũng gọi là ngộ nhẫn, cũng gọi là tín nhẫn. Trong vô sanh pháp nhẫn bao hàm ba loại này: Hoan hỷ, giác ngộ, tin tưởng. Thứ nhất là hoan hỷ, thật sự thấy được, tiếp theo là khai ngộ. Phu nhân Vi Đề Hy nhờ thấy được Phật A Di Đà mà đột nhiên đại ngộ, được vô sanh nhẫn, gọi là ngộ nhẫn, lại gọi là hỷ nhẫn, cũng gọi là tín nhẫn, là nhẫn của thập tín vị. Từ đây cho thấy, thập tín Bồ Tát đã khai ngộ, thập tín tâm mãn cũng gọi là thành Phật, phải chăng là thật sự thành Phật? Đúng vậy, đây chính là trong Tông môn nói: Đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Trên thực tế là Viên giáo sơ trú Bồ Tát, họ đã rời khỏi mười pháp giới.
Chúng ta phải biết mười pháp giới là pháp sanh diệt, vì sao vậy? Vì ta dùng tâm sanh diệt, nghĩa là dùng A lại da. Thập tín tâm mãn, Bồ Tát thập tín vị, là Phật trong mười pháp giới. Khi họ tu đến viên mãn, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, liền thoát ly mười pháp giới, họ đi về đâu? Đến nhất chân pháp giới, 41 giai cấp trong nhất chân pháp giới, họ là sơ trụ quả vị thấp nhất. 41 quả vị là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, Đẳng giác ở trong cõi thật báo. Những vị Bồ Tát này đều chuyển bát thức thành tứ trí, bát thức là tâm sanh diệt. Từ tâm sanh diệt chuyển qua dùng tâm bất sanh bất diệt. Bất sanh bất diệt là chân tâm, tâm sanh diệt là vọng tâm. Tâm mà hiện tại chúng ta dùng là niệm niệm sanh diệt, niệm trước diệt niệm sau sanh, niệm này nối tiếp niệm kia, lúc ngủ cũng không dừng. Người chết rồi có dừng chăng? Không dừng. Thực tế mà nói, thật ra con người không chết, chết là thân thể chết, nhưng thật ra không chết. Nếu chết còn đi đầu thai được sao? Còn có luân hồi sao? Nếu như con người chết thật sẽ không có luân hồi, con người không có chết.
Câu chuyện về đội quân La Mã xâm lăng Trung quốc, rất nhiều vị đồng học đều biết, là chuyện của 2100 năm trước. Lúc đó Phật giáo chưa truyền đến Trung quốc, còn sớm hơn Phật giáo truyền đến Trung quốc hơn 100 năm. Quý vị xem, mười mấy vạn tướng sĩ, chúng ta gọi họ là tướng sĩ, âm hồn của họ đến nay vẫn còn, mà còn rất linh hoạt. Họ nhập vào người khác và kể ra câu chuyện này, họ không chết, có chết đâu?
Chiến tranh Trung Nhật là chuyện gần đây, 60 năm trước, đến nay cũng sáu bảy mươi năm. Kháng chiến bắt đầu từ năm dân quốc 26 đến năm 34, tám năm. Tướng quân, binh sĩ chết trên chiến trường thật ra không hề chết, hiện nay vẫn rất linh hoạt. Chúng ta thấy họ nhập vào người khác nói ra sự việc này, cầu xin chúng ta siêu độ. Biết được chiến tranh là sai lầm, hy vọng có hòa bình, không mong có chiến tranh.
Qua điều này cần phải hiểu, sanh diệt là gì? Bất sanh bất diệt là gì? Chân tâm bất sanh bất diệt, vọng tâm sanh diệt. Tần suất sanh diệt rất cao, một giây tần suất của nó là 1600 triệu lần, đây là căn cứ vào những gì Bồ Tát Di Lặc nói.
Cho nên nhẫn của thập tín Bồ Tát, ở trước chúng ta thấy sơ địa đạt được, sơ địa này là Biệt giáo. Biệt giáo sơ địa bằng Viên giáo sơ trụ, thập tín tâm mãn là sơ trụ, chuyển thức thành trí.
Quán Kinh Tự Phần Nghĩa_Đây là đại sư Thiện Đạo nói: “Thanh tịnh quang minh của cõi nước Phật A Di Đà đột nhiên hiện ra trước mắt, có gì vui mừng hơn thế. Vì niềm vui này liền được vô sanh nhẫn, cũng gọi là hỷ nhẫn, cũng gọi là ngộ nhẫn, cũng gọi là tín nhẫn. Đây phần nhiều là thập tín trung nhẫn, không giải hành đã được thượng nhẫn”. Đây là nói phu nhân Vi Đề Hy được vô sanh pháp nhẫn, không phải Bồ Tát thất địa đạt được, mà là sơ trụ Bồ Tát, tức là thập tín. Thập tín tâm mãn là sơ trụ Bồ Tát, điều này chúng ta có thể tin.
Thứ ba là tín nhẫn, đoạn nói về tín nhẫn này được trích dẫn từ trong Tam Tạng Pháp Số: “Tín là tùy thuận không hoài nghi, sơ địa, nhị địa, tam địa Bồ Tát được vô lậu tín, nên gọi là tín nhẫn”. Sơ địa tức là hoan hỷ địa trong thập địa, nhị địa là ly cấu địa, tam địa là phát quang địa. Ở đây là nói đến Biệt giáo, Biệt giáo sơ địa, nhị địa, tam địa bằng Viên giáo sơ trụ, nhị trụ, tam trụ. Điều này quả là không thể nghĩ bàn, tín tâm kiên định, vĩnh viễn không thoái chuyển.
Phu nhân Vi Đề Hy nhìn thấy thế giới Cực Lạc, lúc này cảnh giới của bà tương đồng với cảnh giới của thiền tông lục tổ Huệ Năng. Buông bỏ tất cả khởi tâm động niệm phân biệt chấp trước, là thật chăng? Đúng vậy, vì sao? Vì bà nhất tâm hướng đến thế giới Cực Lạc, buông bỏ hoàn toàn. Vì vậy đại sư Thiện Đạo nói, vô sanh pháp nhẫn mà phu nhân Vi Đề Hy đạt được là hỷ nhẫn, ngộ nhẫn, tín nhẫn.
Bên dưới có giải thích một cách đơn giản. Hỷ nhẫn, đại sư nói là do niệm Phật A Di Đà mà sanh tâm hoan hỷ”. Đây là hỷ nhẫn, nhất tâm chuyên niệm, tâm sanh hoan hỷ, càng niệm càng hoan hỷ. “Nên trong kinh nói niệm Phật sanh hoan hỷ”, trong Kinh Vô Lượng Thọ có nói câu này. Hỷ là hoan hỷ, sanh hoan hỷ tức là hỷ nhẫn. Nhờ niệm Phật mà tâm mình tự sanh hoan hỷ, đây là pháp hỷ, đây là điều Khổng tử nói: “bất diệc duyệt hồ”. Vì tâm hoan hỷ này không phải từ ngoài vào, là từ trong tự tánh hiển lộ ra.
“Sau cùng lại khuyến dụ người tu hành, không những tự thân thọ trì pháp này mà độ thoát sanh tử, mình và người đều được lợi ích, nên hoằng dương rộng kinh này, khuyên trì danh hiệu, triển chuyển độ thoát, xuất ly sanh tử. Người như vậy, Đức Thế Tôn khen là chân thiện hữu, tức chân thiện tri thức”. Đây là tiến thêm một bước nữa khuyên chúng ta, chúng ta không được nói bản thân được hoan hỷ là đủ, đạt được cảnh giới này đã mãn nguyện lắm rồi, không được. Hy vọng chúng ta tiến thêm bước nữa, có thể giúp người khác. Cũng tức là nói, chúng ta phải đem những gì mình đạt được chia sẻ với mọi người. Vì sao vậy? Vì khi chúng ta nói, người khác có thể tiếp nhận, có thể nghe hiểu, như vậy tôi đã đạt được. Nếu tôi chưa đạt được có nói quý vị cũng không tin. Tôi đạt được, quý vị thấy tôi suốt ngày đều rất hoan hỷ, tôi đạt được quý vị sẽ tin, như vậy chúng ta mới dạy được người khác. Đây cũng chính là chúng ta nghe một số người có cách nói như vầy: Người làm việc giáo dục, trước phải tiếp thu giáo dục, mới dạy được người khác.
Niệm Phật đến lúc sanh tâm hoan hỷ nhất định được sanh, hoàn toàn không có hoài nghi, lúc này chúng ta phải nghĩ đến tự lợi lợi tha. Câu sau cùng trong Tịnh Nghiệp Tam Phước nói, mười câu trước đều là tự lợi, bản thân thành tựu, sau cùng là: “khuyến tấn hành giả”, chúng ta phải khuyên người khác. Ở đây đặc biệt khuyên chúng ta: “Hoằng dương rộng kinh này, khuyên người niệm Phật”, điều này vô cùng quan trọng, vì sao vậy? Vì thời đại này là thời kỳ mạt pháp của Thế Tôn, chỉ có bộ kinh này là lợi ích chân thật. Quả thật kinh này có thể giúp người khác liễu sanh tử xuất tam giới, các pháp môn khác vô cùng khó khăn, vì sao vậy? Vì phải đoạn phiền não. Pháp môn này rất khó tin, tức khó tin ở điểm này, chưa đoạn sạch phiền não cũng được vãng sanh, một số người không tin như vậy. Nhưng trong kinh nói rất rõ ràng, sanh đến thế giới Cực Lạc là thân phận của nhân thiên. Tuy thân phận nhân thiên, nhưng đến thế giới Cực Lạc sẽ đạt được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, lập tức nâng ta lên đến Bồ Tát A Duy Việt Trí. Nhất định phải hiểu đạo lý này, đây là hưởng phước báo của Phật A Di Đà, không phải năng lực mình có được. Bản thân nghiệp chướng rất sâu nặng, mới chế phục nghiệp chướng chứ chưa đoạn được, chế phục nó mãi mãi không bị phát tác. Vì sao vậy? Nếu nghiệp khởi hiện hành phải gặp duyên, thế giới Cực Lạc không có duyên. Cho nên tuy có nhân phiền não, nhưng không có duyên, nên phiền não không khởi tác dụng, đây là sự thù thắng của thế giới Cực Lạc. Huống gì đến thế giới Cực Lạc, ngày ngày nghe kinh nghe pháp, tu phước tu tuệ sao không vui được! Quý vị xem, mỗi ngày bản thân không rời Phật A Di Đà, ở trong giảng đường nghe Phật Di Đà giảng kinh thuyết pháp. Còn hóa thân phân thân ngao du vũ trụ, ngao du pháp giới, họ đến tham học ở cõi nước của mười phương chư Phật, khắp biến pháp giới hư không giới, riêng bản thân bất động, nghe kinh ở chỗ Phật Di Đà. Phân thân rất lợi ích, phân thân không phải không lợi ích, rất lợi ích. Phân thân đến mười phương thế giới để cúng dường Phật tu phước, nghe Phật giảng kinh thuyết pháp khai phát trí tuệ. Đây là điều vô cùng thù thắng của Thế giới Cực Lạc, trong cõi nước mười phương Chư Phật không có.
Bởi vậy chúng ta biết, vãng sanh giống như được vào học lớp bảo chứng, bảo đảm chúng ta năm nào cũng được lên lớp, bảo đảm ta được tốt nghiệp, tốt nghiệp nghĩa là thành Phật. Đây là nguyên nhân vì sao phải khuyên học bộ kinh này, hoằng dương bộ kinh này, dạy chúng ta triển chuyển lưu thông bộ kinh này. Vì chỉ có bộ kinh này, mới giúp được chính mình, giúp được tất cả chúng sanh ra khỏi biển sanh tử. Người làm đúng như vậy được Đức Phật khen ngợi, khen họ là chân thiện hữu, chân thiện hữu tức là chân thiện tri thức.
“Đây là từ khen ngợi của Thế Tôn, thiện tri thức tức đồng với Như Lai”. Thiện tri thức là bậc thầy, là người giáo hóa chúng sanh. Thiện tri, họ biết hết tất cả, biết rất chính xác, không sai lầm, gọi là thiện tri. Thiện thức, nhận thức được mọi thứ. Bởi thế thiện tri thức cũng là xưng hô đối với Phật. Sau khi Đức Phật diệt độ, người tu hành chơn chánh, người thật sự có thể giảng kinh dạy học, chúng ta tôn xưng họ là thiện tri thức.
Bốn câu sau cùng này, chính là Thế Tôn kỳ vọng và giáo huấn đối với tất cả chúng sanh đời sau, khi gặp được kinh này, nghe được pháp này. Lời nói này rất thiết thực, rất chân thật. Đức Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh đời sau, có nhân duyên đọc được bộ kinh này, có nhân duyên nghe được bộ kinh này, có nhân duyên nương vào bộ kinh này tin tưởng tu hành, đích thực ngài kỳ vọng rất lớn đối với họ. Kỳ vọng đầu tiên là hy vọng họ được vãng sanh thân cận Phật A Di Đà. Thứ hai là kỳ vọng họ đem sở học của mình giới thiệu cho người khác, tận tâm tận lực giới thiệu. Đây là giáo huấn, dặn dò của Phật đối với chúng ta. Cho nên ta cùng mọi người phải ai cầu khẩn thiết lãnh thọ, chúng ta phải cảm tạ ân đức sâu dày lớn lao của Phật, ngài từ bi vô lượng. Nếu chúng ta đem kinh này giới thiệu cho người khác, công đức không khác gì Đức Phật. Tất cả những thứ trong thế gian đều là giả, chỉ có công đức này là thật, công đức chân thật. Nên giáo huấn của Phật, từng câu từng chữ chúng ta phải khắc cốt ghi tâm, vĩnh viễn không bao giờ quên, nhất định y giáo phụng hành. Tuân theo di giáo, cần tu kiên trì, tuyệt đối đừng cô phụ từ ân, cần phải làm như thế.
Trong thời đại này, kỹ thuật in ấn phát triển, giá thành lại rất thấp, nên phải lưu thông thật nhiều. Chú giải của Hoàng Niệm Tổ rất hay, bản hội tập của Hạ Liên Cư cũng rất hay. Ở dưới chúng tôi đem toàn bộ khoa phán đều hội tập vào một nơi, trở thành bản hoàn thiện nhất, hay nhất.
Năm đó khi tôi viết khoa phán xong, in ra tặng một bản cho ông Triệu Bộc, ông ta xem xong rất hoan hỷ. Ông nói kinh này có bản hội tập và chú giải của Hoàng Niệm Tổ hay như vậy, lại thấy bản khoa phán hoàn chỉnh, ông hoan hỷ tán thán không thôi. Chúng tôi cũng cảm thâm ân của ông, bây giờ đem cả ba loại tập hợp lại, đáng tiếc ông đã vãng sanh. Nếu như còn sống, ông thấy được sẽ vô lượng hoan hỷ, điều này chúng tôi có thể tưởng tượng được. Chúng tôi cũng đem công đức này hồi hướng cho ông, để đền ơn tri ngộ của chúng tôi.
Xem tiếp đoạn sau: “Phần sau kinh này, Đức Thế Tôn lại khuyên niệm Phật. Bản tâm của mười phương Như Lai, cùng một lúc hiển thị tất cả”. Hiển thị tất cả là không lưu lại điều gì, tất cả đều đem ra hết, nghĩa là tất cả đều ở đây, không hề giữ lại. Đây là pháp của ai? Của mười phương Như Lai, bản tâm của mười phương Như Lai, hy vọng tất cả chúng sanh nhanh chóng thành Phật, đây là tâm Phật, vì sao vậy? Vì quý vị vốn là Phật. Vì nhất niệm bất giác, mê muội, mê thành như vậy, quay đầu chính là bờ, nên quay đầu là bờ.
“Trong phẩm này phước tuệ thỉ văn, là pháp vi diệu”, quý vị xem câu này, là câu quan trọng. Phước tuệ thỉ văn, tức không có phước không có tuệ không nghe được kinh này, cho dù là nghe một câu, một bài kệ, đều là phước tuệ tu được trong đời quá khứ. Nếu trong đời quá khứ không tu, đời này nhất định không có được nhân duyên này, làm gì có chuyện ngẫu nhiên?
Pháp này, trì danh niệm Phật là pháp vi diệu. Không nhiều người biết được niệm Phật là pháp vi diệu, vì sao vậy? Vì thật sự biết nó là pháp vi diệu sẽ sống chết một lòng, nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, tuyệt đối không tu học các pháp môn khác, vì sao vậy? Vì không có thời gian, cũng không lãng phí tinh lực, chúng ta chỉ thâm nhập một môn.
Câu dưới là nói với hàng căn cơ hiện nay: “Cứu thế hành”. Hiện nay xã hội động loạn, địa cầu thiên tai dồn dập, mọi người đều nghĩ cách làm sao để cứu vãn thế giới, cứu vãn địa cầu. Chính là bộ kinh này, là pháp môn này, ngoài niệm Phật ra, các phương pháp khác sẽ không kịp. Niệm Phật A Di Đà có thể cứu thế giới này, niệm Phật A Di Đà có thể cứu xã hội này, là thật chăng? Là thật, đạo lý là gì? Trong bộ kinh này, trong bộ kinh này nói vô cùng thấu triệt, không thể không tin.
Trước đây tôi từng giảng mười lần Kinh Vô Lượng Thọ, đây là lần thứ 11, đặc biệt là vì báo ân tri ngộ với Hoàng Niệm Tổ khi tuổi đã lớn. Ông quá gian nan, thân mang trọng bệnh nhưng trong vòng sáu năm hoàn thành bộ chú giải này, là tâm huyết một đời của ông. Suốt đời ông cống hiến rất lớn đối với Phật giáo, đối với quốc gia dân tộc, đối với nhân loại, đối với chánh pháp, nhưng không ai biết. Tôi có trách nhiệm, có nghĩa vụ thay ông tuyên dương, không những thay ông tuyên dương, mà còn học theo ông, cũng là vì làm việc cứu thế.
Tết thanh minh năm ngoái, tôi ngừng giảng Kinh Hoa Nghiêm, để giảng bộ chú giải này, vì sao vậy? Vì pháp môn niệm Phật của Tịnh độ, tự lợi lợi tha đều đạt đến cứu cánh viên mãn, nên cần phải nói rõ ràng minh bạch, người khác mới tin. Bản thân tôi có thể buông bỏ thứ mà bình thường tôi thích nhất là Kinh Hoa Nghiêm, thật ra bộ Kinh Vô Lượng Thọ tức là trung bổn Hoa Nghiêm, là tinh yếu của Hoa Nghiêm, chúng tôi vẫn không bỏ Hoa Nghiêm. Ở sau Kinh Hoa Nghiêm, thập đại nguyện vương quy về Cực Lạc, bây giờ chúng ta trở về Vô Lượng Thọ, nghĩa là quy về Cực Lạc. Trong kinh nói là “biển trí tuệ”, bộ kinh này là biển trí tuệ. Nếu chúng ta dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh để tiếp thu_Đại sư Ấn Quang nói: Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích. Ngày nay chúng ta dùng vạn phần thành kính, chúng ta đạt được là vạn phần lợi ích.
Ngày nay nói đến ba loại chân thật: Chân thật rốt ráo, đó là pháp tánh lý thể. Trí tuệ chân thật là biển trí tuệ. Lợi ích chân thật, là vãng sanh Cực Lạc thân cận Phật A Di Đà, làm đệ tử hàng đầu của Phật A Di Đà. Trong kinh đã nói như thế, là Đức Phật giao phó cho chúng ta, phải phát tâm làm đệ tử bậc nhất của Phật Di Đà, Chúng ta phải cố gắng, phải nỗ lực.
Câu tiếp theo là: “Khó trong các điều khó”. Được thân người là khó, sanh vào cõi nước có Phật là khó. Trong kinh Phật nói đến trung quốc, quý vị cần phải hiểu rõ ý nghĩa của nó. Trung quốc và biên địa là tương đối, như thế nào gọi là biên địa? Nơi không có Phật pháp gọi là biên địa, nơi có Phật pháp gọi là trung quốc, từ trung quốc trong kinh nói có nghĩa như vậy. Ở đâu có Phật pháp thì gọi là trung quốc, nên Đức Phật nói khó sanh vào trung quốc. Sanh vào nơi có Phật pháp, mới có cơ hội nghe được Phật pháp, có cơ hội học Phật pháp, là khó trong các điều khó.
Phật pháp có đại thừa và tiểu thừa, nếu có thể nghe được đại thừa, trong đại thừa có tám Tông phái, ta có thể nghe được Tịnh độ. Bây giờ Tịnh độ có năm kinh một luận, ta có thể nghe được Kinh Vô Lượng Thọ, ta có duyên có thể nghe được bản hội tập của Hạ Liên Cư, không thể nghĩ bàn! Có duyên học được tập chú của Hoàng Niệm Tổ, chú giải của ông là tập đại thành. Có 83 loại kinh luận, 110 loại chú sớ của các bậc tổ sư đại đức, tất cả có 193 loại, dùng những kinh luận chú sớ này để chú giải. Đây là tập chú, không phải ý của ông. Kinh luận là ý của Phật, là ý của các bậc tổ sư đại đức, chúng ta có thể không tin được chăng? Đối với chú giải này hoàn toàn không có hoài nghi, chúng ta phải tín ngưỡng, phải tín thọ phụng hành, khó trong các điều khó! Sau cùng nói đến đỉnh điểm, hành siêu Phổ Hiền. Nếu tin thật, nguyện thiết, y giáo phụng hành, tự độ độ tha, đích thực có thể vượt qua ngài Phổ Hiền.
“Nói chung tín nguyện trì danh là diệu pháp vô thượng. Sự vi diệu của pháp môn niệm Phật, mặc dù lấy vô lượng thân, mỗi một thân có vô lượng cái miệng, mỗi một cái miệng có vô lượng lưỡi, mỗi một lưỡi có vô lượng âm thanh, cùng vị lai kiếp, diễn thuyết không thôi, cũng khó đạt được ít phần”. Mấy câu này của Hoàng Niệm Tổ là lời Đức Phật nói trong kinh, dùng nó để khen ngợi pháp môn niệm Phật, vô cùng thích hợp. Không có câu nào quá đáng. “Nên không nói nhiều, chỉ trích dẫn hai đoạn trong Yếu Giải của đại sư Linh Phong, để quy kết chú giải của phẩm này”. Linh Phong là đại sư Ngẫu Ích, Yếu Giải là trước tác của đại sư Ngẫu Ích. Đại Sư Ấn Quang khen ngợi Yếu Giải này, ngài nói: “cho dù là cổ Phật tái lai chú giải cho Kinh A Di Đà, cũng không hơn được tập Yếu Giải này”. Lời tán thán này đã đến tột cùng, quả thật là khen ngợi đến cứu cánh viên mãn. Từng có người xuất gia hỏi tôi: Đại sư Ấn Quang khen ngợi Yếu Giải như vậy, phải chăng là hơi quá đáng? Tôi cung kính trả lời ông ta: Không quá đáng chút nào, lời khen ngợi của ngài vừa đúng mức.
Ngày xưa tôi từng giảng bộ Yếu Giải này. Khi chưa thấy bản hội tập của Hạ Liên Cư, tôi đối với Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích vô cùng hoan hỷ. Lúc đó tôi ở Mỹ, trong tâm thường nghĩ suốt đời hoằng dương Yêu Giải, giảng Yếu Giải này. Yếu Giải rất hay, đơn giản trọng yếu. Về sau thấy được bản hội tập của Hạ Liên Cư, ở Mỹ có duyên gặp được cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, chưa tới ba tháng sau, tôi đến Bắc Kinh thăm ông, chúng tôi đã gặp nhau. Biết được sự vất vả khi chú giải bộ kinh này, biết được dụng tâm của ông, vô cùng từ bi. Ông đến thế gian là để cứu thế, dùng phương pháp gì? Chính là dùng bộ tập chú này để độ chúng sanh của 9000 năm trong thời kỳ mạt pháp.
Chúng ta thấy ông trích dẫn hai đoạn trong Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích. Thứ nhất: Yếu Giải nói: “Do nghĩa vô lượng quang, nên chúng sanh sanh đến Cực Lạc tức sanh mười phương”, quang minh biến chiếu mười phương. “Thấy Phật A Di Đà tức thấy mười phương Chư Phật, có thể tự độ tức phổ lợi tất cả”. Nghĩa của vô lượng quang là quang minh chiếu soi khắp nơi. Ở đây chúng ta thử nghĩ xem, y theo lý luận và phương pháp trong kinh điển này tu học. Lý luận sửa đổi hành vi tư tưởng của chúng ta, phương pháp sửa đổi hành vi thân khẩu của chúng ta. Hành vi nhiều đến mấy cũng không nhiều hơn ba nghiệp thân khẩu ý. Lý luận và phương pháp trong kinh này, là hành vi sinh hoạt của Như Lai, đây gọi là gì? Đây gọi là làm Phật, thị tâm tác Phật. Vốn là thị tâm thị Phật, bây giờ y theo lý luận phương pháp trong kinh điển này tu hành, chính là thị tâm tác Phật, tâm tác tâm thị, làm gì có đạo lý không thành Phật? Tự hành nghĩa là hóa tha, hóa tha tức là tự hành, tự tha không hai, chúng sanh và Phật không hai, ý này quá hay! Sanh Cực Lạc nghĩa là sanh mười phương thế giới, thấy Phật A Di Đà tức thấy mười phương Chư Phật. Ở thế giới Cực Lạc đích thực là như vậy.
Như tôi vừa mới nói: Ở thế giới Cực Lạc, bản thân chúng ta ngồi bất động trong hội nghe pháp của Phật Di Đà, nhưng phân thân, hóa thân của chúng ta đi đến đâu? Đến cõi nước của tất cả chư Phật khắp biến pháp giới hư không giới, đi cúng Phật, đi nghe pháp. Trong các pháp môn khác không có sự thù thắng vi diệu này, chỉ pháp môn này mới có, điều này không thể không biết. Bởi vậy pháp môn này vô cùng khó, chúng ta đã gặp được, nhất định phải quý trọng, tuyệt đối không được bỏ qua.
“Do nghĩa vô lượng thọ, nên nhân dân Cực Lạc tức là nhất sanh bổ xứ, đều chắc chắn thành Phật trong đời này, không qua đời khác”, đời khác là đời thứ hai. Nên pháp môn này, gọi là pháp môn thành tựu trong một đời. Bản thân chúng ta cần phải biết, vãng sanh thế giới Cực Lạc không phải chết rồi mới vãng sanh, vãng sanh khi còn sống, chưa chết. Chưa đoạn khí, nhìn thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, tạm biệt mọi người, đi như vậy. Khi đi không cần thân thể này nữa, vứt bỏ hết, buông bỏ tất cả, sau cùng thân cũng buông bỏ luôn, vãng sanh lúc còn sống. Bởi thế pháp môn này đúng là liễu sanh tử. Đến thế giới Cực Lạc, nơi đó là vô lượng thọ, trong kinh này chúng ta đã học rất nhiều, đều hiểu rõ. Đến thế giới Cực Lạc là vô lượng của hữu lượng, tu đến lúc đoạn tận tập khí vô thỉ vô minh là vô lượng của vô lượng. Quý vị xem vô lượng của hữu lượng, thông với vô lượng của vô lượng, hai bên nối kết được với nhau. Quả thật là vô lượng thọ, không phải giả. Người thế gian, Tôn giáo thế gian ai không cầu trường thọ? Trường thọ là sống hoài không chết. Chính là bộ kinh này, ngay trong pháp môn này, không cần tìm đâu khác.
“Nên biết rời nhất niệm tâm vô lượng thọ hiện tiền, thì nơi nào có danh hiệu Phật A Di Đà. Mà rời danh hiệu Phật A Di Đà, ở đâu triệt chứng nhất niệm tâm vô lượng quang vô lượng thọ”. Hai câu này nói quá hay! Tâm vô lượng thọ vô lượng quang với danh hiệu Phật A Di Đà là một không phải hai. Phật A Di Đà chính là tâm vô lượng thọ quang, tâm vô lượng thọ quang tức là Phật A Di Đà. Chúng ta phải nhận thức thật rõ điều này, thấu triệt nó ta mới có cảm giác vô cùng thân thiết với ngài, không muốn rời xa ngài một bước.
Điều này trước đây tôi cầu học ở Đài Trung, thầy Lý dạy chúng tôi, phải để Phật A Di Đà trong tâm, dạy chúng tôi thay đổi tâm. Ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với đại sư Ngẫu Ích. Tâm tôi tức Phật A Di Đà, Phật A Di Đà chính là tâm tôi, là thật, không phải giả, không phải vọng tưởng, không phải giả thiết, là sự thật tuyệt đối. Nếu chúng ta từ trong kinh điển đại thừa, nghĩ đến giáo huấn của Phật, ngài thường dạy chúng ta: “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, từ tâm tưởng của ai sanh? Từ tâm tưởng mình sanh ra. Luân hồi lục đạo là tâm tưởng sanh, thập pháp giới là tâm tưởng sanh, Phật A Di Đà cũng là tâm tưởng sanh, thế giới Cực Lạc cũng do tâm tưởng sanh. Rời tâm tưởng thì tất cả pháp đều bất khả đắc. Tất cả pháp đều là tâm tưởng sanh, thì Di Đà, Cực Lạc cũng là tâm tưởng sanh, vì sao bây giờ tâm chúng ta không nghĩ đến? Tâm nghĩ, đôi lúc có nghĩ đến, thường thường bị gián đoạn, như vậy không tốt. Thường thường gián đoạn, công phu không đắc lực. Nếu chúng ta phát tâm tha thiết, tuyệt đối không để nó gián đoạn, điều này rất hay!
Đại sư Ấn Quang dạy chúng ta, dán chữ “chết” trước trán, thường nghĩ đến chuyện chết, sẽ như thế nào? Không thể không buông bỏ. Tôi dạy chư vị đồng học, dán Phật A Di Đà trước trán, mỗi niệm đều nghĩ đến Phật A Di Đà, như vậy có thể không vãng sanh ư? Phật đường nơi đại sư Ấn Quang bế quan không lớn, chỉ bằng nữa phòng nhiếp ảnh của chúng ta. Tôi có đến tham quan, chỉ thời một tượng Phật A Di Đà, một tượng Phật, tượng tiếp dẫn của Phật A Di Đà. Tôi thấy một cặp đèn sáp, một cái mõ, một cái khánh, một lư hương, một ly nước, chỉ có bao nhiêu đó, rất sạch sẽ. Ở sau tượng Phật, ngài viết một chữ “tử” thật lớn, viết một chữ rất lớn, nhắc nhở bản thân, thường nghĩ đến chết, như vậy có thể không niệm Phật được chăng? Phương pháp này rất hay, dạy chúng ta đối với thế gian này, đừng lưu luyến, nhất tâm nhất ý chuyên tu Tịnh độ, nhất định vãng sanh thân cận Phật Di Đà, một đời thành tựu viên mãn quả Phật.
Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây.