LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKAYA - HT THÍCH QUẢNG TÁNHBiên Soạn: Quảng Tánh Nhà Xuất Bản: Hồng Đức Hình Thức: Bìa Mềm Khổ Sách: 14,5x20,5cm Năm Xuất Bản: 2021 Trọn Bộ: Bộ 3 Quyển Độ Dày: 3,5cm (trọn bộ)LPD2GIẢNG GIẢI KINH220.000đSố lượng: 29 Bộ
LỜI PHẬT DẠY TRONG KINH TẠNG NIKAYA - HT THÍCH QUẢNG TÁNH
Lời Nói Đầu Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya là kết tập những bài viết trong mục Lời Phật dạy được đăng tải hàng tuần trên báo Giác Ngộ. Lời Phật dạy được thiết lập nhằm giới thiệu những lời dạy của Thế Tôn trong Kinh tạng Nikàya một cách ngắn gọn, nguyên thủy, dễ nhận thức và thể nghiệm nhất cho đọc giả. Kinh tạng Nikàya là cả kho tàng kinh điển Phật giáo Nguyên thủy (Pali tạng) rất đồ sộ, hiện đã chuyển ngữ hoàn toàn sang tiếng Việt, bao gồm Dìgha Nikàya (Trường Bộ), Majjhima NiKàya (Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ), và Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ). So với kinh điển Hán tạng thì năm bộ Nikàya chưa phải là nhiều, song với nội dung vô cùng phong phú và được xem là nguyên thủy nhất, Kinh tạng Nikàya là nền tảng căn bản của giáo điển Phật giáo.
Đọc Kinh tạng Nikàya, chúng ta như được sống trong thời đại Thế Tôn và Thánh chúng với bối cảnh xã hội Ấn Độ đương thời cách nay gần 26 thế kỷ. Thế Tôn thật minh triết mà bình dị, đi đến đâu và gặp việc gì thì tùy duyên giáo hóa nên những lời dạy của Ngài vô cùng gần gũi, thiến thân với đời sống con người thời ấy và vẫn còn nguyên giá trị cho nhân loại ngày nay. Những bài viết trong Lời Phật dạy gồm hai phần, kinh văn và lời bàn. Phần kinh văn hầu hết được trích dẫn nguyên bản hay một trích đoạn của kinh hoặc nguyên đoạn kinh nhưng có tĩnh lược những phần lặp lại cùng với xuất xứ cụ thể, chi tiết của đoạn kinh văn đó. Chúng tôi xem đây là phần quan trọng, chính yếu nhất vì đã góp phần giới thiệu đến bạn đọc nguyên văn lời vàng phát xuất từ kim khẩu Thế Tôn. Phần lời bàn, thực ra chỉ là sự giải thích sơ lược một số từ ngữ hay ý nghĩa kinh văn hoặc là đề xuất một hướng nhận thức cùng sự liên hệ, đối chiếu với thực tế theo thiển ý của người biên soạn, là phần thứ yếu để tham khảo thêm.
Vì tất cả những Lời Phật dạy đều được rút ra từ Kinh tạng Nikàya nên khi tập hợp thành sách có tên Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya. Nội dung tuyển tập Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III) được sắp xếp theo từng chủ đề sẽ tiện lợi cho việc tra cứu những lời Phật dạy về một đề tài nào đó vốn rải rác ở nhiều nơi trong Kinh tạng. Tuy nhiên, chủ đề ở đây cũng chỉ mang tính quy ước tạm thời vì có những Lời Phật dạy tuy cô đọng nhưng hàm súc, bao quát ý nghĩa của nhiều vấn đề. Về địa điểm xuất xứ của từng pháp thoại, trong kinh văn không phải lúc nào cũng ghi rõ. Gặp trường hợp các pháp thoại không trực tiếp ghi địa điểm, khi biên soạn mục Lời Phật dạy, chúng tôi phương tiện bằng cách lần ngược lại phía trước, lấy đó tái xác lập địa điểm để mỗi pháp thoại đạt được hoàn chỉnh và trang nghiêm. Việc làm này rõ ràng có tính chính xác tương đối nên nhân đây, chúng tôi xin thưa rõ để bạn đọc lưu tâm.
Bằng tất cả sự cố gắng và chân thành, Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya, tập I, đã ra mắt bạn đọc. Để có được tập sách này, ngoài nỗ lực của bản thân là sự giáo dưỡng, trợ duyên rất nhiều của các bậc thầy, pháp lữ và sự tán trợ của đọc giả. Xin chân thành tri ân và ngưỡng mong chư tôn đức cùng bạn đọc hằng soi sáng, chỉ giáo thêm. Người biên soạn - Quảng Tánh
Lời Giới Thiệu Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ và Tiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.
Nội dung kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật Đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến đọc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia, đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v…đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.
Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng tời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.
Nay nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phậ dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với cổ xưa nhất của kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế. TP. HCM, ngày 25 tháng 3 năm 2008 - Tổng biên tập Báo Giác Ngộ Hòa thượng Thích Trí Quảng
Trích “Quyển 1 – Lợi Ích Của Lòng Tin”: Một thời Thế Tôn ở Vesàli, gọi các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho thiện nam tử có lòng tin. Thế nào là năm? Các Thiên nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến các vị có lòng tin, không có như vậy đối với các vị không có lòng tin. Khi đến thăm, trước hết họ đến thăm những vị có lòng tin, không có như vậy đối với người không có lòng tin. Khi chấp nhận thọ thực, họ chấp nhận trước hết những vị có lòng tin, không có như vậy đối với những vị không có lòng tin.
Họ thuyết pháp trước hết cho những người có lòng tin, không cho những người không có lòng tin. Người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi trời. Những pháp này, này các Tỷ kheo, là năm lợi ích cho thiện nam tử có lòng tin. Ví như, này các Tỷ kheo, trên khoảnh đất tốt, tại ngả tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, các thiện nam tử có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, cho nam cư sĩ và nữ cư sĩ. (ĐTKVN(*), Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumana, phần Sự lợi ích của lòng tin, VNCPHVN(**) ấn hành 1996, tr.369)
Lời Bàn: Lòng tin, theo Phật giáo phải là chánh tín, tịnh tín tức niềm tin sau khi đã được kiểm chứng bởi trí tuệ. Niềm tin mà hời hợt, mơ hồ và dễ dãi đồng thời thiếu hiểu biết về nó chính là mê tín. Vì thế, đã tin phải hiểu và hiểu để củng cố, tăng trưởng niềm tin là điều không thể thiếu đối với chánh tín Phật giáo. Trước hết, hàng Phật tử phải thiết lập được niềm tịnh tín đối với Tam bảo, Bởi chỉ có ánh sáng của Tam bảo mới đủ năng lực xua tan bóng tối của vô minh, dập tắt tham ái và đoạn tận khổ đau. Đỉnh cao của lòng tin là tín tâm, tin tưởng tuyệt đối vào bản tâm thanh tịnh, tự tánh giác ngộ hằng hữu nơi chính bản thân mình. Từ đó nỗ lực tu tập làm hiển lộ chơn tâm sáng suốt, thể nhập chân lý.
Khi đã có lòng tin, người cư sĩ được năm lợi ích. Đó là: được chư tôn thiền đức thương tưởng, thăm viếng, đến nhà thọ trai, thuyết pháp và khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời. Đặc biệt, chính niềm tịnh tín là “chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, cho nam cư sĩ và cho nữ cư sĩ”. Đức tin là mẹ của tất cả công đức, là nền tảng để phát sanh mọi thiện pháp. Vì vậy, nếu chưa có lòng tin thì phải thiết lập, khi đã phát khởi được tịnh tín rồi thì củng cố và trau giồi để niềm tin thêm kiên cố. Chánh tín và tịnh tín Tam bảo là một trong những vấn đề quan yếu mà mỗi người con Phật phải thành tựu để làm cơ sở cho việc tu học, lợi mình lợi người. Trong bối cảnh khủng hoảng về niềm tin, hoài nghi các giá trị đạo đức, chạy theo thực dụng như hiện nay thì hơn lúc nào hết hàng Phật tử phải tin sâu lời Phật dạy để sống hướng thiện, vị tha, an vui và giải thoát, đồng thời góp phần bảo lưu gìn giữ những chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc…
Trích “Quyển 2 – Ăn Nhiều Không Tốt Cho Sức Khỏe”: Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosa-la thường ăn những bữa ăn thịnh soạn. Rồi vua Pasenadi sau khi ăn xong, no đủ, thỏa thích, đi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn sau khi biết vua Pasenadi đã ăn xong, no đủ, thỏa thích, ngay lúc ấy liền nói bài kệ: Con người thường chánh niệm / Được ăn, biết phải chăng / Chừng mực, cảm thọ mạnh / Già chậm, tuổi thọ dài.
Lúc ấy, vua Pasenadi liền gọi thanh niên Bà-la-môn Sudassana đang đứng hầu sau lưng: Này bạn, hãy học thuộc lòng bài kệ từ Thế Tôn, và trong khi dọn ăn cho ta hãy đọc lên bài kệ ấy, ta sẽ cấp thường nhật cho bạn một trăm đồng tiền vàng. Thanh niên Sudassana vâng lời vua, học thuộc lòng bài kệ và mỗi khi dọn cơm cho nhà vua thường đọc lên bài kệ này. Rồi vua Pasenadi tuần tự ăn uống hạn chế, cho đến chỉ ăn nhiều nhất là một nàlika. Sau một thời gian, thân thể nhà vua trở nên khỏe mạnh, tự xoa bóp chân tay và nói lên lời cảm hứng như sau: Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai! (DTKVN (*) Tương Ưng Bộ I, Chương 3, phẩm 2, Phần Đại Thực, VNCPHVN (**) ấn hành, 1993, tr.186)…
Lời Bàn: Ăn uống hàng ngày là cách tốt nhất để chuyển các dưỡng chất từ bên ngoài vào nuôi dưỡng và phát triển cơ thể, phục hồi sức lực. Tuy nhiên, nếu không biết tiết độ và chọn lựa thực phẩm phù hợp thì ăn uống lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tật. Vì thế, từ rất xa xưa “bệnh tùng khẩu nhập” là một kinh nghiệm, kiến thức phổ thông về ăn uống cho mọi người. Ngày nay, những bệnh tật có liên quan mật thiết đến việc ăn uống thiếu tiết độ như bệnh béo phì đang trở thành chứng nan y, là nguy cơ về sức khỏe và tuổi thọ cho xã hội, nhất là tại những quốc gia phát triển. Ăn uống quá nhiều cộng với việc ít vận động làm cho cơ thể tăng cân nhanh chóng đồng thời phát sinh nhiều tật bệnh rất khó chữa trị.
Vì thế, với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài chỉ cho phép hàng đệ tử xuất gia ăn mỗi ngày một bữa đồng thời rèn luyện thân thể bằng cách đi bộ khất thực hằng ngày. Với chế độ ăn uống và thể dục hợp lý cộng với việc nỗ lực rèn luyện tinh thần bằng thiền định, những người đệ tử Phật dễ dàng phát triển trí tuệ, đạt được Thánh quả. Truyền thống ăn chay của Phật giáo, ngoài việc nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi còn là liệu pháp dinh dưỡng rất có lợi cho sức khỏe, nhất là phương tiện bổ dưỡng và tinh khiết. Khoa học về dinh dưỡng và trị liệu đã chứng minh cụ thể điều ấy. Ứng dụng và thực hành theo lời dạy của Thế Tôn, hiện nay vấn đề ăn chay và đi bộ đang trở thành thời thượng, được áp dụng rộng rãi khắp thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ và các nước Tây phương.
Ở nước ta, tuy bênh béo phì do ăn uống quá độ chưa trở thành vấn nạn của xã hội nhưng dấu hiệu của vấn đề đã xuất hiện ở các đô thị, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, thiếu nhi và một bộ phận nam giới (uống nhiều rượu bia). Noi gương vua Pasenadi, những người con Phật phải biết kham nhẫn, tiết độ và chừng mực trong ăn uống, thực hành ăn chay để thân thể được gọn gàng, tráng kiện đồng thời giúp cho tinh thần sáng suốt, minh mẫn. Đó cũng là cách tốt nhất để phát triển từ tâm, nâng cao tuổi thọ, giảm thiểu bệnh tật và là phương châm sống theo lời Phật dạy…
Trích “Quyển 3 – Bốn Loại An Lạc”: Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng tại Koli cùng với các Tỷ-kheo. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến đảnh lễ, Thế Tôn nói với Anàthapindika: Có bốn loại an lạc này, ngày Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội. Này Gia chủ, thế nào là lạc sở hữu? Ở đây, tài sản thâu hoạch được do siêng năng, tích lũy được do mồ hôi đổ ra, thâu hoạch đúng pháp. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc.
Thế nào là lạc thọ dụng? Này Gia chủ, thiện nam tử thọ dụng những tài sản thâu hoạch đúng pháp. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc. Này Gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Thiện nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, dù ít hay nhiều. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc. Thế nào là lạc không phạm tội? Này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành, khẩu hành và ý hành không phạm tội. Nghĩ về điều ấy, vị ấy được hỷ lạc. Này gia chủ, có bốn loại an lạc này, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Trong đó, hỷ lạc sở hữu, thọ hưởng, không mắc nợ chỉ bằng 1/16 hỷ lạc không phạm tội. (DTKVN (*), Tăng chi bộ I, Chương 4, phẩm Nghiệp công đức, phần Không nợ (lược) VNCPHVN (**) ấn hành, 1998, tr682).
Lời Bàn: Lạc thú trên đời thì rất nhiều. Có những thú vui thỏa mãn các giác quan, hướng ngoại, ồn ào và ẩn tàng tổn hại, hiểm họa nhưng có những niềm vui hướng nội nhẹ nhàng, thanh tao và bền vững. Vì thế, hạnh phúc ở đời có tính tương đối, tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người nhưng chân hạnh phúc, an lạc đích thực thì chỉ có một, duy nhất, đó là thân tâm thanh tịnh. Theo tuệ giác Thế Tôn, nhờ làm ăn chân chính mà trở nên giàu có, thành quả lao động ấy là một niềm an vui, đáng tự hào. Bởi lẽ, người giàu thì không thiếu nhưng mấy ai được bình an trong sự giàu sang nhờ mưu mô, tranh đoạt, lọc lừa. Tài sản do công đức làm ra, có nhiên mình có quyền thụ hưởng, chia sẻ. Và sự thọ dụng ấy mới thực sự thanh thản, an vui vì không hề lo sợ hoặc ray rứt, ăn năn. Thêm nữa, nhờ ăn nên làm ra nên thoát được nợ nần, không còn lo lắng, bị bức bách, phiền muộn và luôn ngẩng cao đầu trong cuộc sống. Tuy vậy, không phạm tội mới là niềm an lạc to lớn và quan trọng nhất. Tất cả tư duy, lời nói và việc làm đều trong sáng, lương thiện, lợi mình và lợi người chính là an vui đích thực. Ba nghiệp thân khẩu ý thuần thiện hay thân tâm thanh tịnh là cơ sở để thiết lập nên bình an nội tại sâu lắng, vững chắc nhất. Và đây cũng chính là niềm an lạc mà những người con Phật luôn hướng đến…