Lời Giới Thiệu Của Hòa Thượng Thích Minh Châu
Các đệ tử Ni trưởng Thích nữ Trí Hải có trình cho chúng tôi xem dịch phẩm “Giải Thoát Trong Lòng Tay” do Ni trưởng chuyển dịch. Dịch phẩm là một công trình lớn, chuyển tải nhiều quan điểm và phương pháp thực nghiệm sâu sắc của truyền thồng Phật giáo Tây Tạng. Tác giả là ngài Pabongka Rinpoche, một vị Lama thuộc phái Hoàng mạo, có kiến thức uyên bác và kinh nghiệm thực hành sâu sắc. Điểm đặc biệt của ngài Pabongka Rinpoche là, trong những bài thuyết giảng của mình, Ngài luôn luôn đặt trọng tâm vào việc thực hành bằng cách chỉ rõ những cách thức đơn giản và cụ thể nhất để mọi người có thể ứng dụng các pháp môn tu tập của đạo Phật. Dịch phẩm này đã được dịch giả rà soát lại rất kỹ trước ngày về hầu Phật tổ, chắc chắn sẽ giới thiệu nhiều nội dung sâu sắc của truyền thống Phật giáo Tây Tạng, rất lợi lạc và bổ ích cho những ai trân trọng con đường tâm linh. 
Cảm niệm thâm ân của Thầy mình, các đệ tử của Ni trưởng đã nỗ lực xem lại bản thảo của dịch phẩm và mong muốn được ấn tống vào dịp này, một mặt để cúng dường Tam bảo nhân kỷ niệm ngày Đại tường của Ni trưởng, mặt khác để giới thiệu một công trình Phật pháp, làm lợi ích cho nhiều người. Đây là việc làm rất có ý nghĩa của người con Phật. Chúng tôi có lời tán thán các đệ tử Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải và trân trọng giới thiệu công trình dịch thuật này.
Thiền Viện Vạn Hạnh, Tỳ Kheo Thích Minh Châu.
Đôi Lời Của Dịch Giả
Đây là lần đầu tiên dịch giả có dịp rà soát lại bản thảo trước khi in. Những bản in trước đây toàn ngoài tầm kiểm soát của dịch giả nên có khá nhiều luộm thuộm sai sót. Sau hết và trước hết, xin dâng lên Tam Bảo, long thần hộ pháp và chư thượng sư lòng tri ân đã cho con có được những bạn đạo xa gần hỗ trợ cho pháp sự này. “Xa” là những thiện tri thức từ khắp nơi đã hỗ trợ phương tiện. “Gần” là các pháp tử trong vườn Tuệ, nhất là cô Tuệ Dung, người cộng sự đắc lực trong việc điều chỉnh in ấn tất cả các dịch phẩm từ trước đến nay, và các cô Tuệ Khai, Tuệ Nhã, đã góp phần rà soát lại cách trình bày mục lục sách này.
Tuệ Uyển Vạn Hạnh, Thích Nữ Trí Hải – Cẩn Bút. 
Trích Tập 1 - “Những Chuẩn Bị Sơ Khởi - Ngày Thứ Nhất”:
Kyabje Rinpoche, một bậc tướng quân Chánh pháp vô tỷ, đã nói ít lời chuẩn bi cho chúng ta có những động lực thích đáng khi đón nhận những lời giảng dạy tiếp theo. Ngài nói: Đức Tsongkapa bậc đại nhân, bậc Tướng quân chánh pháp của cả ba cõi, đã nói:
Thân thể vật lý thuận lợi này
Có giá trị hơn cả viên ngọc như ý.
Bạn chỉ được nó một lần mà thôi.
Khó thay được thân người, dễ thay bị mất nó,
Nó như một làn chớp giữa bầu trời.
Hãy quán tưởng điều ấy, rồi bạn sẽ thấy
Mọi hoạt động thế gian chỉ như trấu bị thổi bay
Và bạn phải nỗ lực ngày đêm
để rút ra được một ít tinh hoa từ đời sống bạn
Tôi một ẩn sĩ du già đã tu tập như thế;
Và bạn, người khát khao giải thoát, cũng nên làm như vậy. 
Từ thời gian vô thủy, chúng ta đã mang không biết bao nhiêu thân xác cho đến ngày nay, nhưng ta đã không rút tỉa được một tinh túy nào từ những thân xác ấy. Không có một kiểu khổ đau nào mà ta chưa từng nếm trải, cũng không có một kiểu hạnh phúc nào mà ta chưa từng thưởng thức. Nhưng dù ta đã có bao nhiêu xác thân đi nữa, ta cũng đã không rút tỉa được chút tinh hoa nào từ nơi chúng. Bây giờ ta đã có được may mắn mang thân người, thì ta nên làm cái gì để rút tỉa ít tinh hoa từ đó. Nếu không suy nghĩ chín chắn, thì ta không cho thân người quý báu này có tầm quan trọng chút nào, ta cũng không tiếc nuối gì khi lãng phí cơ may được sinh làm người. Có lẽ nếu bị mất tiền, chúng ta sẽ tiếc nuối nhiều hơn. Thế mà cái thân người ta đang đang có lại vô vàn quý báu hơn bất cứ viên ngọc như ý nào cả.
Nếu bạn phải lau chùi một viên bảo châu như ý bằng cách mỗi ngày rửa ba lần, đánh bóng ba lần, rồi đặt trên đỉnh một cái tràng phan của sự chiến thắng, bạn sẽ có được dễ dàng tất cả những sự tốt đẹp của thế gian như đồ ăn mặc ở, vân vân. Bạn có thể được hàng trăm, hàng ngàn, hàng trăm ngàn viên ngọc như thế, nhưng chúng không thể đem lại cho bạn dù chỉ một điều nhỏ nhất trong những điều bạn có thể thành tựu được nhờ mang thân người trong đời này; bởi vì bạn không thể sử dụng những bảo châu ấy để che chở mình khỏi tái sanh vào các đọa xứ trong đời sau. Nhưng với thân người hiện tại của bạn, bạn có thể tự đề phòng cho khỏi sa đọa vào các cõi xấu ác. Hơn nữa, nếu bạn muốn tái sinh làm Phạm Vương, Đế Thích, vân vân, bạn cũng có thể làm được điều ấy nhờ thân người hiện tại. Nếu bạn muốn đi đến những cõi tịnh như cõi trời Thắng lạc (Abhirati), cõi Cực lạc (Sukhàvati) cõi Đâu suất (Tushita), bạn cũng có thể làm được, nhờ cái thân người hiện tại của bạn. 
Nhưng chưa hết đâu, bởi vì bạn còn có thể đạt đến những trạng thái giải thoát giác ngộ nhờ thân này. Điều bạn cần làm là, hãy tóm lấy cơ hội. Điều quan trọng hơn cả là nhờ thân tái sinh hiện tại mà bạn có thể đạt tới địa vị Kim cuong trì (hợp nhất giữa thân như huyễn với đại lạc) trong vòng đời ngắn ngủi, ngay trong thời đại suy đồi này; một kết quả thông thường phải mất tới ba a tăng kỳ kiếp mới thành tựu được. Như vậy, được tái sinh làm người còn giá trị hơn cả ngàn tỷ viên ngọc quý. Nếu bạn lãng phí cuộc đời này mà bạn đã có được, thì điều ấy còn đáng tiếc hơn là nếu bạn mất đi ngàn viên ngọc báu. Không có sự mất mát nào lớn hơn sự mất mát này; không có sự mù quáng nào hơn sự mù quáng này, không có sự lầm lạc nào hơn sự lầm lạc này. Shantideva có nói:
Không có sự mê lầm nào tệ hơn
Nếu không sử dụng thân này để tu tập
Sau khi đã được thân người như một cơ may hiếm có
Không có sự mù quáng nào lớn hơn thế nữa.
Bởi thế bạn phải nỗ lực rút tỉa một ít tinh túy từ cuộc đời này ngay bây giờ. Dù thế nào đi nữa, chắc chắn bạn sẽ phải chết, và bạn không biết được lúc nào thì cái chết đến với mình. Hiện tại chúng ta đang theo học Pháp, nhưng trong vòng một trăm năm nữa, không ai trong chúng ta còn sống sót. Trong quá khứ, bậc Đạo sư của chúng ta là Đức Phật, nhờ đã tích lũy công đức và trí tuệ trải vô số kiếp mà được thân Kim cương bất hoại. Tuy thế, đối với con mắt phàm thì ngay cả Ngài cũng đã nhập niết bàn. Sau Ngài có nhiều học giả, luận sư, dịch giả và những bậc hiền trí ở Ấn cũng nhưng Tây Tạng, nhưng tất cả các vị ấy cũng đều đã từ giả cuộc đời này. Không còn gì về họ ngoài ra danh hiệu và những gì mà người ta còn nói về họ. Tóm lại là bạn không thể đưa ra một ví dụ nào chứng minh vẫn còn có người được cái chết buông tha. Thế thì làm sao riêng bạn có thể sống hoài không chết? Bạn không hy vọng gì thoát khỏi chết. 
Không những chắc chắn bạn phải chết, mà bạn còn không biết chắc lúc nào thì cái chết đến với bạn. Bạn không biết chắc năm tới bạn còn sống trong thân xác này không, còn mang ba y tỷ kheo không nữa. Vào ngày này năm sau, có thể rằng các bạn đã tái sinh thành một con thú mang lông đội sừng cũng nên. Hoặc các bạn cũng có thể tái sinh làm một ngạ quỷ, phải sống mà không kiếm được một chút gì để ăn, cũng không tìm được một giọt nước uống. Hoặc các bạn cũng có thể tái sinh vào địa ngục, phải chịu đựng những nỗi khổ nóng, lạnh, bị luộc trong nước sôi hay thiêu trong lửa đỏ.
Tâm bạn vẫn tiếp tục sau khi chết, nên nó phải chấp nhận tái sinh. Chỉ có hai con đường luân chuyển cho tái sinh, đó là đường đi lên các cõi cao và đường đi xuống các đọa xứ. Nếu bạn tái sinh vào Địa ngục vô gián, thì bạn phải ở đấy với một thân thể tràn khắp hỏa ngục, không khác gì với hỏa ngục ấy, trong những địa ngục nhẹ hơn, như Địa ngục Sống Lại liên tục, thì bạn chết đi sống lại mỗi ngày hàng trăm lần, liên tục chịu những cực hình. Làm sao có thể chịu đựng điều ấy khi mà bàn tay bị bỏng một chút bạn đã không chịu nổi? Ấy vậy mà ta sẽ phải đau đớn như thế đấy, hệt như thân thể hiện tại của ta phải chịu đựng cơn nóng bức. Chúng ta có thể tự hỏi, “Phải chăng khi vào đấy sẽ dễ chịu đựng hơn, nỗi đau đớn không nhiều như ta tưởng?”nhưng không phải thế đâu.
Nếu tái sinh làm ngạ quỷ, bạn sẽ không kiếm được một giọt nước trải qua nhiều năm. Bây giờ bạn thấy khó chịu nổi một kỳ nhập thất nhịn đói, thì làm sao bạn chịu nổi tái sinh làm ngạ quỷ? Còn tái sinh làm súc sinh, chẳng hạn làm con chó. Bạn hãy xem kỷ những chỗ chó thường ở, cách chúng kiếm ăn, hoặc loại thực phẩm mà chó thường tìm được. Bạn có nghĩ rằng bạn chịu nổi kiểu sống như vậy không? Bạn có thể nghĩ rằng, các đọa xứ thật quá xa vời quá. Nhưng kỳ thực, sở dĩ bạn thấy mình còn xa xôi với các đọa xứ, chỉ là vì bạn đang còn thở được. 
Nếu không suy xét kỹ, thì chúng ta không bao giời ngờ rằng mình có thể đang đi đến các đọa xứ. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta có phần nào tuân giữ giới luật, tụng kinh hàng ngày, không vi phạm tội lỗi nào trầm trọng như giết người cướp của. Phiền một nỗi là, ta đã không nhìn sự việc một cách thích đáng. Nghĩ kỹ lai mới thấy rằng ta không có tự do để chọn lựa mình có đi xuống những cõi tái sinh thấp hay không. Điều này được định đoạt bởi nghiệp lực của chúng ta. Trong dòng tâm thức của chúng ta, có những nghiệp xấu tốt lẫn lộn. Vào lúc ta chết, thứ nào mạnh hơn trong hai thứ này, sẽ được châm ngòi bằng tham ái và chấp thủ. khi nhìn lại dòng tâm thức của ta xem thói nào mạnh hơn, ta sẽ thấy rằng khuynh hướng bất thiện thắng lướt. Mức độ mạnh yếu được định đoạt bở năng lực của động lực hành động, bởi việc làm, và bởi bước cuối cùng. Như vậy, mặc dù ta có thể nghĩ là mình chỉ làm những điều ác nhỏ nhặt không đáng kể, song kỳ thực sức mạnh của nó rất lớn lao.
Ta hãy lấy ví dụ. Giả sử bạn la rầy đệ tử. Bạn bị thúc đẩy bởi cơn hằn học (động lực), còn việc làm là, bạn sử dụng những từ ngữ gay gắt nhất làm sao cho họ phải đau đớn. Về giai đoạn cuối là, bạn cảm thấy kiêu hãnh và bản ngã căng phồng lên, thấy mình quan trọng. Ba phần này - động lực, việc làm, bước cuối - thật làtoàn vẹn, không thể nào toàn hảo hơn thế! Hoặc giảkhi bạn giết một con rận. Động lực của bạn là sự thù ghét mãnh liệt. Bạn lăn tròn nó giữa hai ngón tay, hành hạ nó một hồi lâu, rồi cuối cùng mới giết nó. Bước cuối cùng trở nên cao ngạo, cảm thấy mình làm như vậy có lý lắm. Thói ác đã trở thành cường liệt qua ba giai đoạn ấy.
Chúng ta cứ tưởng đức độ của mình lớn lắm, song kỳ thực nó yếu xìu. Nếu thiện tính nơi ta thực mãnh liệt, thì ba giai đoạn của việc lành - động lực - việc làm, bước cuối tức phần hồi hướng công đức - phải được thực hiện một cách thuần tịnh. Ngược lại sự thanh tịnh là những công đức “do ta làm.” Trước tiên, có động lực thúc đẩy ta hành thiện. Tôi nghĩ hiếm khi chúng ta làm việc lành vì khao khát có được một tái sinh tốt hơn - chỉ một động lực tối thiểu như thế còn không có, nói gì đến động lực tốt nhất, tức bồ đề tâm hướng đến giác ngộ, hay tốt nhì là sự từ bỏ. Ngay từ đầu, chúng ta thường ao ước thành tựu những nguyện vọng liên hệ đến chuyện ăn, mặc ở trong đời này mà thôi. Bất cứ lời nguyện nào ta làm để được mục đích ấy quả thực là tội lỗi. Còn về phần chính hành động, thì mọi việc làm của ta còn có tính cách chiếu lệ; chẳng hạn niệm một chuỗi OM MAI PADME HUM ta cũng không chuyên chú cho hết chuỗi. Hoặc ta ngũ gục hoặc ta suy nghĩ mông lung. Thật khó mà tập trung dù chỉ trong thời gian đọc một lần câu thần chú Một trăm vị chư thiên ở cõi Đâu suất. Và khi đến giai đoạn hồi hướng, thì ta lại thụt lui, hướng những ước nguyện ta về cuộc đời này. Bởi thế, mặc dù chúng ta tưởng mình làm công đức lớn, kỳ thực những công đức ấy rất yếu ớt… 
Đôi Nét Về Ngài Pabongka Rinpoche (Do Rilbur Rinpoche Ghi Lại)
Thầy tôi, người tử tế trong ba cách, người đã giáp mặt thần Heruka, người mà tôi cảm thấy khó nỗi thốt lên danh hiệu Lord Pabongka Vajradhra Dechen Nyingpa Pael Zango, sinh ở miền Bắc Lhasa vào năm 1878. Thân phụ ngài là một quan chức nhỏ nhưng gia đình ngài không giàu lắm. Lúc ngài ra chào đời, có ánh sáng chiếu khắp phòng, mặc dù đang đêm tối mịt, và bên ngoài, người ta trông thấy một vị thần hộ mạng đứng trên mái nhà. Pabongka Rinpoche là một hóa thân của học gia vĩ đại Jangkya Rolpao Dorje (1717-1786), trong khi trước đấy ngài là tái sinh của một vị geshe uyên bác ở tu viện Sera-mae. Ngài nhập viện vào năm lên bảy, theo học chương trình thông thường của tu sĩ, lấy bằng geshe (tiến sĩ Phật học) và theo học hai năm ở Đại học Mật giáo Gyutoe.
Bổn sư của ngài là Dagpo Lama Rinpoche Jampeal Lhuendrub Gyatso, ở Lhoka. Ngài hẳn là một vị bồ tát hóa thân, và Pabongka Rinpoche là đệ tử đầu của ngài. Ngài sống trong một hang động ở Pasang và việc hành trì chính yếu của ngài là bồ đề tâm; thần hộ mạng của ngài là Quán Tự Tại (Avalokitesvara). Ngài thường niệm câu thần chú OM MANI PADME HUM mỗi đêm năm vạn lần. Khi lần đầu gặp Dagpo Rinpoche tại một lễ tsog ở Lhasa, Kyabje Pabongka đã xúc động đến rơi lụy vì niềm kính ngưỡng.
Xong khóa học, Pabongka Rinpoche viếng thăm Dagpo Lama Rinpoche trong động của ngài, và được đưa đến một nơi nhập thất tu Lam-rim gần đấy. Dagpo Lama Rinpoche cho một đề mục Lam-rim để Pabongka Rinpoche về thiền quán, rồi sau đó trở lại trình bày chỗ mình đã ngộ. Dagpo lại dạy một pháp khác để thiền quán, cứ thế tiếp tục trong mười hai năm (hỏi còn chuyện gì lạ lùng hơn thế!) Pabongka có bốn đại đệ tử là Kyabje Ling Rinpoche, Kyabje Trijang Rinpoche, Khangsar Rinpoche và Tathag Ringpoche, một vị nhiếp chính của Tây Tạng. Vị này là thấy giáo đạo chính của đức Dalai Lama khi ngài còn thơ ấu và là người đã thế phát quy y cho ngài.
Tôi sinh ở tỉnh Kham về phía đông Tây Tạng, trong số những vị thầy đầu tiên của tôi có hai vị là đệ tử của Pabongka Rinpoche. Bởi thế tôi lớn lên trong bầu không khí tin tưởng tuyệt đối vào Pabonka như là tin chính đức Phật. Một trong hai vị thầy của tôi có một tấm ảnh của Pabongka Rinpoche đang nhỏ những giọt cam lộ từ giữa hai lông mày. Chính mắt tôi trông thấy chúng, bởi thế, các bạn có thể tưởng tượng tôi sung sướng xiết bao khi cuối cùng tôi được diện kiến ngài.
Nhưng còn lý do riêng tư khiến tôi đặt hết tin tưởng vào Pabongka Rinpoche. Tôi là con trai duy nhất trong một gia đình khá giả, và mặc dù đức Dalai Lama thứ 13 đã công nhận tôi là một vị lama tái sinh, và Pabongka Rinpoche bảo tôi nên vào tu viện Sera ở Lhasa, cha mẹ tôi không mấy hoan nghênh việc này. Nhưng không bao lâu thì ông chết, và tôi có thể khởi hành đi Lhasa. Bạn không thể nào tưởng tượng nổi sự sung sướng của tôi khi khởi sự cuộc du hành suốt hai tháng trường trên lưng ngựa ấy. Lúc ấy tôi mới mười bốn tuổi, và đi tu quả là chuyện mà một bé trai ở tuổi ấy nên làm. Tôi có cảm tưởng rằng cơ hội đi Lhasa để thụ giới và sống cuộc đời của một bậc chân tu như lời đức Dalai Lama phán dạy, tất cả chuyện đó đều là một phép lạ của Pabongka Rinpoche.
Khi tôi mới đến Lhasa, Pabongka Rinpoche đang ở Tashi Choeling, một hang động phía trên tu viện Sera. Tôi xin một buổi gặp và ít hôm sau, tôi cùng mẹ tôi và người gia nhân cưỡi ngựa lên núi. Chúng tôi không định trước giờ gặp, nhưng khi chúng tôi vừa lên đến, thì Pabongka đã cho người hầu dọn thức ăn và trà bánh mới làm xong. Điều này làm tôi tin chắc Pabongka có thiên nhãn thông, vì ngài cũng là một hiện thân của đấng Kim cương trí (Vajradhara).
Sau khi ăn xong, tôi đến ra mắt Rinpoche. Tôi nhớ rõ việc này như mới hôm qua. Một cầu thang hẹp dẫn lên căn phòng nhỏ của ngài, ở đấy ngài đang ngồi trên giường. Ngài trông giống như bức ảnh của ngài - mập, thấp người. Ngài bảo, “Ta biết con sẽ đến, và bây giờ chúng ta đã gặp nhau.”Ngài vuốt hai bên má tôi. Khi tôi đang ngồi đấy, thì có một vị tân tiến sĩ (geshe) từ tu viện Sera đi vào dâng cho Rinpoche một đĩa tsampa đặc biệt vốn chỉ làm vào dịp có người lãnh bằng tiến sĩ. Rinpoche nhận xét thật là một điềm lành, khi vị tân tiến sĩ này đến mà có tôi hiện diện ở đấy, và ngài bảo ông ta hãy đổ đầy bát của tôi như đã đổ cho ngài... Bạn cũng có thể tưởng tượng điều ấy làm tôi xúc động đến mức nào.
Căn phòng hầu như trống trơn. Cái vật lạ lùng nhất là một pho tượng hai tấc Anh bằng vàng ròng của Dagpo Lama Rinpoche, bổn sư Pabongka Rinpoche. Pho tượng được vây quanh bằng nhiều vật cúng dường nhỏ bé. Sau lưng tượng là năm bức tranh (thangka) trình bày linh kiến của Khaedrubje về Tsongkapa sau khi vị này đã viên tịch. Ngoài ra trong phòng chỉ có một chỗ để ngồi uống trà. Tôi cũng có thể nhìn thấy trong góc có một gian phòng nhỏ để thiền, và tôi không ngừng trộm nhìn về phía ấy (tôi chỉ mới là bé trai 14 tuổi, rất tò mò) Rinpoche bảo tôi cứ việc vào nhà xem cho biết. Nó chỉ gồm một tọa cụ và một bàn thờ nhỏ. Rinpoche gọi tên tất cả những tượng trên bàn thờ: từ trái sang phải có thầy Tsongkapa, Heruka, Yamantaka và Paelgon Dramze, một vị hóa thân của thần Mahakala. Dưới những pho tượng ấy bày những đồ cúng.
Tôi chưa thành tu sĩ, nên Jamyang, người thị giả lâu năm của Rinpoche được sai đi lấy một quyển lịch để định ngày cho tôi xuống tóc, mặc dù tôi chưa mở miệng xin xuất gia gì cả. Rinpoche quả đang cho tôi mọi sự tôi hằng khao khát, và tôi cảm thấy ngài thật quá từ bi. Khi từ giả ngài, lòng tôi sung sướng như bay bổng tận mây xanh.
Người hầu của Rinpoche là một người có vẻ hung hãn, người ta bảo ông ấy là hóa thân của một vị thần hộ pháp. Một lần, vào dịp Rinpoche du hành xa, ông ta đã phá cái nhà cũ kỹ của thầy mình để xây lại một tư dinh rộng lớn gần bằng tư dinh của đức Dalai Lama. Khi Rinpoche trở về ngài hoàn toàn không hài lòng, bảo: “Tôi chỉ là một ẩn sĩ quèn, đáng lẽ ông không nên xây cho tôi một ngôi nhà như thế này. Tôi không có tiếng tăm, và cốt tủy những gì tôi dạy là sự từ bỏ đời sống xa hoa thế tục. Bởi thế tôi rất lúng túng vì những căn phòng sang trọng này.”
Tôi thụ giáo Lam-rim với Pabongka Rinpoche nhiều lần. Những người Trung Quốc đã tịch thu hết mọi sổ ghi chú của tôi, nhưng kết quả của lời dạy ấy tôi vẫn còn đeo mang trong mình, một cái gì rất đặc biệt. Mỗi khi nghe ngài dạy tôi lại mong muốn trở thành một thiền sư thực thụ, rút vào một am ẩn cư, bôi tro đầy mặt mà ngồi thiền. Càng lớn cảm giác này càng phai dần trong tôi, và bây giờ thì tôi hoàn toàn không nghĩ gì tới chuyện ấy, nhưng tôi thực tình muốn trở thành một thiền gia chân chính như thầy tôi.
Thầy làm nhiều pháp quán đảnh như pháp quán đảnh Yamantaka, Heruka và Guhyasamàja. Chính tôi cũng nhận những pháp ấy từ nơi thầy. Tôi thường vào tư thất của thầy để làm những lễ khai đạo quan trọng trong mật giáo, còn thầy thì thường xuống tu viện để giảng dạy cho tất cả mọi người. Thỉnh thoảng thầy lại đi chiêm bái các tu viện. Viếng thăm Pabongka Rinpoche có lẽ cũng giống như thăm viếng Lama Tsongkapa lúc sinh tiền.
Mỗi khi dạy, ngài thường ngồi suốt tám tiếng đồng hồ không cử động. Khoảng chừng hai ngàn con người tới đó nghe pháp và nhận lễ quán đảnh, với những giáo lý đặc biệt thì số người theo học ít hơn, nhưng khi ngài truyền bồ đề tâm giới thì có tới mười ngàn người hiện diện. Khi ngài làm phép quán đảnh của thần Heruka ngài thường có một vẻ rất lạ lùng. Đôi mắt ngài mở lớn, long lanh, khiến tôi tưởng như ngài là thần Heruka, một chân dạng ra một chân co lại. Tôi bị kích động mãnh liệt tới nỗi òa khóc như thể đã thấy chính vị thàn Heruka. Thật là chuyện đặc biệt lạ lùng.
Với tôi, ngài là vị lạt ma quan trọng nhất của Tây Tạng. Ai cũng biết bốn đệ tử chính của ngài vĩ đại tới mức nào. Thế mà ngài lại là thầy của họ. Ngài bỏ nhiều thì giờ nghĩ về ý nghĩa thực tiễn của giáo lý, và thực chứng những giáo lý ấy bằng tim của ngài. Ngài đã thực hành tất cả những gì ngài học gần đến mức dộ viên mãn. Ngài không chỉ nói suông mà cố thực chứng mọi sự. Lại nữa, không bao giờ ngài nổi giận; bất cứ sự giận dữ nào cũng hoàn toàn bị dập tắt bởi bồ đề tâm nơi ngài. Nhiều khi có những hàng dài người đứng chờ ngài ban phép lanh, thế mà Rinpoche vẫn hỏi thăm từng người một, vỗ đầu họ. Đôi khi ngài cho thuốc. Ngài luôn luôn từ hòa. Tất cả điều này làm cho ngài thật đặc biệt. Theo tôi, ngài có hai đức chính yếu; về phương diện mật tông, ngài đã thực chứng và có khả năng hóa hiện là thần Heruka, còn về phương diện kinh điển thì ngài có khả năng giảng Lam-rim.
Ngay trước khi viên tịch, ngài được mời giảng vắn tắt về Lam-rim ở ngôi chùa của bổn sư ngài, tu viện Dagpo Shidag Ling ở Lhoka. Ngài đã chọn một bản văn ngắn nhan đề “Con đường nhanh” của Panchen Lama thứ hai. Đấy là bài Lam-rim đầu tiên mà Dagpo Lama Rinpoche đã dạy cho ngài, và ngài nói nó sẽ là bài pháp cuối cùng ngài giảng dạy. Mỗi khi viếng thăm tu viện của bổn sư, Pabongka Rinpoche thường xuống ngựa mỗi khi vừa thấy tòa nhà xuất hiện. Và từ chỗ xuống ngựa, ngài lạy dài cho đến khi tới cổng. Khi rời tu viện thì ngài đi lùi cho tới khi không còn trông thấy bóng. Lần này khi rời tu viện, ngài lạy thêm lần nữa khi ngôi chùa đã khuất dạng, và đến ở lại trong một ngôi nhà lân cận. Hơi đau bụng, ngài lui vào nghỉ đêm. Ngài bảo thị giả đi ra trong khi ngài tụng kinh cầu nguyện, và ngài tụng lớn tiếng hơn lệ thường.
Lúc ấy nghe dường như ngài đang giảng về Lam-rim. Khi ngài tụng xong, các người hầu đi vào phòng thì thấy ngài đã chết. Mặc dù rất đỗi bối rối. Thatag Rinpoche cũng sao bảo được chúng tôi phải làm gì. Tất cả chúng tôi đều đau buồn. Di hài của Pabongka Rinpoche được bọc trong lụa thêu và hỏa táng theo nghi thức cổ truyền. Có một bảo tháp thực đẹp được xây lên nhưng người Trung Quốc đã phá hủy. Tuy thế tôi cũng lấy lại được vài xá lợi của ngài, và đã hiến tặng cho tu viện Sera-mae. Ngày nay các bạn có thể đến đấy chiêm ngưỡng xá lợi. Ngày nay tôi có thành công phần nào về phương diện học giả, và về phương diện hành giả, tôi cũng là một lama có hạng, song những điều ấy không có gì là quan trọng. Điều duy nhất có ý nghĩa đối với tôi, ấy là được làm đệ tử của Pabongka Rinpoche.
Rilbur Rinpoche
(Rilbur Rinpoche, người ghi lại tiểu sử trên đây, sinh tại miền đông Tây Tạng vào năm 1923. Lúc lên năm, ông được đức Dalai Lama 13 nhận ra là hóa thân thứ sáu của Ser-mae Rilbur Rinpoche. Ông vào Đại học tu viện Sera ở Lhasa năm 14 tuổi, đỗ tiến sĩ Phật học năm 24 tuổi. Ông thiền định, giảng dạy cho đến năm 1959, sau đó chịu áp bức tàn khốc của Trung Quốc trong 21 năm. Năm 1980 ông được phép làm vài hoạt động tôn giáo, và ông đã giúp xây một tháp mới để thờ Pabongka Rinpoche tại Sera, vì Trung Quốc đã phá hủy cái tháp đầu tiên. Sau đó ông sang Ấn sống ở tu viện Namgyal tại Dharamsala.)
Lam Rim 
MỤC LỤC:
QUYỂN 1
Lời Giới Thiệu Của HT. Thích Minh Châu
Đôi Lời Của Dịch Giả
Ghi Chú Về Cách Ghi Số Mục Các Tiêu Đề
Lời Giới Thiệu Của Dịch Giả
Ghi Chú Của Dịch Giả Bản Anh Ngữ
Pabongka Rinpoche (Do Rilbur Rinpoche Ghi Lại)
Lời Dẫn Nhập Của Trijang Rinpoche
Phần Một: Những Chuẩn Bị Sơ Khởi - Tính Vĩ Đại Của Các Tác Giả
- Tính Vĩ Đại Của Pháp Lamrim
- Cách Giảng Và Nghe Thích Đáng
Phần Hai: Nghi Thức Chuẩn Bị
- Thứ Tự Những Chỉ Giáo Thực Thụ
Phần Ba: Nền Tảng Của Đạo Lộ
QUYỂN 2
Phần Bốn: Phạm Vi Nhỏ
Phần Năm: Phạm Vi Trung Bình
QUYỂN 3
Phần Sáu: Phạm Vi Lớn
Lời Cuối Sách Của Trijang Rinpoche
Phụ Lục 1: Ba Nòng Cốt Của Đạo Lộ
Phụ Lục 2: Các Nghi Thức Chuẩn Bị
Hồng Danh Bửu Sám
Phụ Lục 3: Pháp Luyện Tâm Bảy Điểm