Lời Tựa
Trong thời kỳ kháng chiến, tôi đã viết hai tác phẩm là Tìm Hiểu Nguồn Gốc Duy Thức Học và Tìm Hiểu Nguồn Gốc Tánh Không Học. Nhằm tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của 3 hệ Đại thừa, tôi vẫn còn muốn viết bộ Tìm Hiểu Nguồn Gốc Như Lai Học, vì kháng chiến đã kết thúc, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không thể viết ra được. Sau khi đến Đài Loan, trong lúc tìm hiểu Kinh Luận mới hiểu được rằng: duyên khởi và không, sự huân tập và biến đổi của Duy thức, tôi đã phát hiện ra nguồn gốc sâu xa của chúng là ở trong kinh A-hàm và Phật giáo Bộ phái, mà thuyết Như lai tạng (tức Phật tánh), lại là bất cộng pháp của Phật giáo Đại thừa, là “biệt giáo”. 
Trong quá trình phát triển của thuyết Như Lai tạng, nó đã kết hợp với “tâm thanh tịnh, bị khách trần làm nhiễm ô” của kinh A-hàm nói, nhưng thuyết nguyên thỉ của Như lai tạng là chân ngã. Như lai tạng ngã thuộc bên trong thân tâm tương tục của chúng sanh là niềm tin về “pháp thân có mặt khắp nơi”, “niết-bàn là thường trụ”, thông qua thuyết kinh của kinh Đại thừa sơ kỳ gồm pháp và pháp đều bình đẳng với nhau, pháp và pháp đều có liên hệ với nhau mà khơi mở ra; trong quá trình phát triển của Đại thừa sơ kỳ, từ nhiều phương diện đã lộ ra đầu mối của tư tưởng này. Trong các bộ luận Đại thừa của Long Thọ vẫn chưa có nói rõ ràng đến Như lai tạng và Phật tánh, cho nên đây là tư tưởng của Đại thừa hậu kỳ.
Từ thế kỷ III A.D. về sau, chính là thời đại Văn học về Phạm của Ấn-độ phục hưng, Phật giáo Đại thừa Ấn-độ cũng phải thích ứng với tư trào này, nên nói “tạng của Như Lai”, nói rõ rằng: “ngã ấy tức là nghĩa của Như Lai tạng; tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức là nghĩa của ngã”. Tất cả chúng sanh có Như Lai tạng ngã, trong giới Phật giáo Trung Quốc, từ xưa đến nay chưa từng cảm thấy bất ngờ, Chỉ là tin tưởng tán thán, nhưng giới Phật giáo Ấn-độ có thể thấy bất đồng! Cái ngã thường trụ bất biến, vi diệu và an lạc, là tự thể sanh mạng của chúng sanh; chuyển đổi mê vọng để đạt thành “Phạm-ngã nhất như”, được giải thoát chân thật là dòng chính của tư tưởng thần giáo Ấn-độ. 
Đức Thích tôn vì nhân loại mà thuyết pháp, từ trong uẩn-giới-xứ của chúng sanh, quán tất cả ppháp đều được sanh ra do duyên, vì vô thường nên khổ, vì khổ nên không có ngã, không có ngã sở; nhờ không, vô ngã nên được giải thoát, hiển lộ ra Phật Pháp bất cộng với thế gian, siêu việt khỏi thế gian. Từ Phật giáo Bộ phái đến Phật giáo Đại thừa sơ kỳ, trên mặt trình bày có vô biên phương tiện khác nhau, nhưng chủ trương nhờ không, vô ngã nên được giải thoát thì vẫn được công nhận. Bây giờ nói, trong uẩn-giới-xứ của tất cả chúng sanh có Như lai tạng ngã thường trụ, thanh tịnh, đây là giáo thuyết rất bình thường vậy!
Phật giáo Ấn-độ đã có truyền thống rất lâu dài nhưng những người theo Đại thừa vẫn không quên đi giáo pháp của đức Thích tôn, đối với Như lai tạng ngã, bắt đầu cho nó những giải thích hợp lý: Như lai tạng là phỏng theo cái không của duyên khởi để nói. Như vậy, Phật là người có Như Lai tạng đã thoát khỏi trói buộc nên có thể gọi đó là “đại ngã” (hoặc phỏng theo 8 thứ tự tại để nói), mà Như lai tạng trên địa vị chúng sanh thì được giải thích là “cái tạng Như lai vô ngã”. Tất cả chúng sanh có Phật tánh (đồng nghĩa với Như Lai tạng), được giải thích là “sẽ có”. Đây là thuyết Như lai tạng của Phật giáo Đại thừa Ấn-độ (nhưng, trong Phật giáo Bí mật Đại thừa, Như lai tạng ngã của chúng sanh đã phát triển thành “Phật bản sơ”, so với thuyết Phạm-ngã nhất như của Ấn-độ, có thể nói đã đạt đến mức nhất trí).
Trong quá trình viết tác phẩm Khởi Nguyên Và Khai Triển Của Phật Giáo Đại Thừa Sơ Kỳ, nhân tiện, tôi thu thập và ghi chép lại một vài tư liệu có liên quan đến thuyết Như lai tạng và Phật tánh. Nay tôi mang ra chỉnh lý lại, bổ sung thêm một số lựa chọn về Kinh Luận của Đại thừa hậu kỳ, đề tên là Nghiên Cứu Học Thuyết Như Lai Tạng, xem như là Tìm Hiểu Nguồn Gốc Như Lai Tạng Học mà trước đây muốn viết mà không viết được, để bổ túc cho một tâm nguyện trước đây vậy!
Trích “Dẫn Nhập - Địa Vị Của Như Lai Tạng Học Trong Phật Giáo”:
Như lai tạng (tathāgata-garbha), Như lai giới – Như lai tánh (tathāgata-dhātu), Phật tánh – Phật giới (buddha-dhātu), v.v., đây là một loại danh từ, trên mặt ý nghĩa tuy có sai biệt ít nhiều, nhưng làm tính khả năng để thành Phật, trên phương diệt bổn tánh chẳng phải là hai của chúng sanh và Phật để nói, thì có ý nghĩa nhất trí với nhau. Tại Ấn-độ, sự hưng khởi của thuyết Như lai tạng khoảng vào thế kỷ thứ 3 A.D., từ giai đoạn sơ kỳ Đại thừa tiến vào hậu kỳ Đại thừa Phật giáo. Ở trong khoảng thế kỷ 4 – 5 A.D., nó hưng thịnh vô cùng; những kinh điển mà có liên quan (giải nghĩa rộng thêm) đến thuyết Như lai tạng, cũng nối tiếp lưu truyền ra. Thuyết Như lai tạng, lấy kinh hậu kỳ Đại thừa làm chủ, trong các Luận sư - Luận sư Đại thừa của Ấn-độ, gồm hai nhà Trung quán (Madhyamaka) và Du-già (Yoga), đều nói thuyết Như lai tạng là bất liễu nghĩa, lấy ‘mật ý’ của Trung quán và Duy thức để giải thích nó. Kỳ thật, hệ tư tưởng này có lập trường độc đáo, chủ yếu là chúng sanh và Phật có thể tánh chung; dựa vào đây làm tông bổn, giải thích rằng dựa vào đây mà có sanh tử, chúng sanh, dựa vào đây mà có giải thoát rốt ráo, Như lai. 
Như kinh Bất tăng bất giả(I) nói: “Này Xá-lợi-phất! Chính pháp thân này, trải qua sự bị hằng sa vô biên phiền não trói buộc, từ vô thỉ đến đời vị lai, tùy thuận thế gian, nổi trôi phiêu bạt, qua lai trong sanh tử, nên gọi là chúng sanh. Này Xá-lợi-phất! Chính pháp thân này, chán rời sự khổ não của sanh tử ở thế gian, quăng bỏ tất cả sự có ham muốn, thực hành mười ba-la-mật, nắm giữ 84000 pháp môn, tu hạnh bồ-đề, gọi là Bồ-tát. Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Chính pháp thân này, lìa tất cả trói buộc của phiền não ở thế gian, vượt qua tất cả khổ, lìa tất cả cái bẩn của phiền não, đắc được thanh tịnh, trụ trong pháp thanh tịnh ở bờ bên kia, đến nơi (thấy) sở nguyện của tất cả chúng sanh; ở trong tất cả cảnh giới, thông đạt hoàn toàn, lại không có cái nào vượt hơn nó; lìa tất cả chướng, ở trong tất cả pháp mà đắc được lực tự tại, nên gọi là ứng chánh biến tri của Như lai.”
Pháp thân (dharma-kāya) được kinh Bất tăng bất giảm nói đó, cũng là tên gọi khác của Như lai tạng. Từ tông y(a) của lập luận này để nói, thì nó bất đồng với lập luận ‘bởi vì có nghĩa không, nên tất cả pháp được thành tựu’(b) của nhà Trung quán; cũng bất đồng với quan điểm dựa vào thức a-lại-da (ālaya) của hư vọng phân biệt làm ‘sở tri y’(c) của nhà Du-già. Thuyết Như lai tạng có lập trường độc đáo, có đặc sắc về ‘chân ngã luận’ phong phú. Do vì thuyết Như lai tạng dùng kinh điển làm chủ, cho nên học phái mà xem trọng Luận, như các học giả Tây tạng, chỉ thừa nhận quan điểm của Trung quán [Trung quán kiến] và quan điểm của Duy thức [Duy thức kiến], mà không thừa nhận sự tồn tại của quan điểm Tạng tánh [Tạng tánh kiến]. Phật giáo Trung quốc là xem trọng kinh, cho nên có lời bình luận rằng ‘Kinh thì giàu có, Luận thì nghèo nàn’.(d) Pháp môn Như lai tạng, Phật tánh, truyền đến Trung quốc vốn trọng kinh, đã nhận được sự tán dương cao độ của Phật giáo Trung quốc. Như tông Hiền thủ lập nên năm giáo,(e) ba tông, ba tông là tông Pháp tướng, tông Phá tướng, tông Pháp tánh. 
Thuyết Như lai tạng là ‘chung giáo’ trong năm giáo, và đốn giáo, viên giáo, điều là tông Pháp tánh thuộc Hiển tánh,(f) chỉ là lý luận và phương pháp của Hiển tánh bất đồng ít nhiều mà thôi. Thiền tông là từ ‘Như lai (tạng) thiền’ mà ra, cho nên kinh Lăng nghiêm và luận Khởi tín xiển dương pháp môn này, tuy có truyền thuyết ‘nghi ngờ chúng là ngụy tạo’, nhưng lại nhận được sự tôn trọng của tông Hiền thủ và Thiền tông. Ngài Tứ minh Pháp trí(g) của tông Thiên thai, luận định thuyết Như lai tạng duyên khởi là ‘biệt lý tùy duyên,’(h) ‘căn cứ vào lý, tùy duyên mà chưa được viên mãn tột cùng [viên cực]’.1 Nhưng ngài Cô sơn Trí viên,(i) sống đồng thời với ngài Tứ minh Pháp trí, thì trích dẫn luận Khởi tín, suy tôn nó là pháp môn viên mãn tột cùng. Từ cuối đời Tống về sau, Phật giáo Trung quốc có khuynh hướng dung hòa, thuyết Như lai tạng cũng trở thành một dòng của Đại thừa. Vào cuối đời Minh, ngài Trí húc(j) là tiếp cận với Thiên thai học, cho rằng Như lai tạng tùy duyên là ‘nhất thừa viên mãn cùng tột’.2 Thời cận đại, Đại sư Thái hư, vào những năm cuối đời, giảng Phật học Trung quốc, đầu tiên liệt kê ra một biểu đồ, dùng Phật tánh để nối kết chúng sanh và Phật, ngài nói như thế này: “Là tâm pháp mà liên hệ giữa chúng sanh và Phật.…
Do vậy, chúng ta có thể nhận ra sự bất đồng của Phật, tâm, chúng sanh, đồng thời có thể nhận ra sự liên hệ của chúng sanh, tâm, Phật.”3 Biểu đồ về sự dùng con mắt trạch pháp đối với Phật tạng, Biểu đồ về sự mê và ngộ của Như lai tạng tâm(k) mà Đại sư làm vào thời trẻ, đều là dùng Như lai tạng, Phật tánh làm tông bổn để giải thích hoặc dung hợp và nối kết tất cả.4 Thuyết Như lai tạng, có thể nói là dòng chính của Phật giáo Trung quốc! Dựa vào đây để quan sát, như tông Hiền thủ nói ‘tánh khởi’, Thiền tông nói ‘tánh sanh’, tông Thiên thai nói ‘tánh cụ’, trên mặt giải thích đương nhiên bất đồng, nhưng đều dùng ‘tánh’ – ‘Như lai (giới) tánh, pháp (giới) tánh’ làm tông bổn. Pháp môn này, trải qua sự dung hội và phát huy của các học giả Phật giáo Trung quốc, đã có khoảng cách tương đối với nguyên nghĩa của nó, nhưng chắc chắn là dòng chính của Phật giáo Trung quốc, ngoài Trung quán, Duy thức ra, nó cũng thể hiện lập trường và kiến giải độc đáo.
Những Kinh Luận Có Liên Quan Đến Thuyết Như Lai Tạng
Các kinh điển mà có liên quan đến Như lai tạng (tathāgata-garbha) học, trên mặt lịch sử Phật giáo, thuộc vào hậu kỳ của Phật giáo Đại thừa, cho rằng ‘tất cả pháp là không’ là pháp chưa liễu nghĩa, lấy chân thường(a) – ngã chân thường, tâm chân thường làm pháp môn chủ đạo. Tuyên bố các Kinh - Luận thuộc về Như lai tạng, v.v., trên mặt lịch sử dịch Kinh ở Trung quốc, bắt đều từ cuối thế kỷ 3 A.D., đến thế kỷ 7 A.D. thì dừng, số Kinh được dịch ra không ít. Trên mặt tư tưởng, trước sau cũng có bất đồng. Giáo điển thuộc dòng chính, có: 1. Kinh Như lai hưng hiển, 3 quyển, do Trúc Pháp hộ (Dharmarakṣa) dịch vào đời nhà Tấn, niên hiệu Thái Khang năm thứ 8, là bản dịch đầu tiên của phẩm Bảo vương Như lai tánh khởi của kinh Hoa nghiêm được dịch vào đời nhà Tấn, và phẩm Như lai xuất hiện của kinh Hoa nghiêm được dịch vào đời nhà Đường. 
Trong kinh nói rằng phá vi trần ra thành kinh điển nhiều như đại thiên, và “loại chúng sanh này, ngu si đến như thế! Không thể phân biệt được rắng bậc Như lai Thánh huệ Thế tôn nhập khắp trong ấy,”1 tức là [chủ trương] ‘tất cả chúng sanh đều có trí huệ và đức tưởng của Như lai’ của thuyết Như lai tạng. 2. Kinh Đại ai, 8 quyển, do Trúc Pháp hộ dịch vào đời Tấn, niên hiệu Nguyên Khang nguyên niên (291 A.D.), cùng với phẩm Anh lạc của kinh Đại Phương đẳng chúng tập, kinh Đà-ra-ni tự tại vương Bồ-tát do Đàm-vô-sấm (Dharmarakṣa) dịch vào đời Bắc Lương, là cùng một nguyên bản mà dịch khác nhau. Luận Bảo tánh, là bản chuyên luận về pháp môn Như lai tạng, chính là dựa vào bản kinh này mà làm nên luận ấy. Ở trong kinh Đại ai, có dụ viên ngọc quí không dơ bẩn, và đầu tiên nói ‘vô thường, khổ, không chẳng phải là thân (ngã),’ ‘sau đó cho đến đạt được không, vô tướng, (vô) nguyện,’ ‘thứ đến được thành tựu bất thoái chuyển (Pháp luân)’.2 Đây là ba thời giáo: đầu tiên nói về Thanh văn giáo, thứ đến nói về Không tương ưng giáo, sau cùng nói về bất thối chuyển bồ-đề Pháp luân.
Ba thời giáo của kinh Đại ai, cùng với thời thứ 3 trong ba thời giáo thuyết của kinh Giải thâm mật là bất đồng. 3. Kinh Đại Phương đẳng Như lai tạng, 1 quyển, “thời Tấn Huệ, Hoài (290-311 A.D.), sa-môn Pháp cự dịch ra.”3 Bộ kinh này đã bị thất lạc, hiện nay còn bản dịch của Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra) dịch vào đời Tấn, niên hiệu Nguyên Hi năm thứ 2 (406 A.D.), cũng gọi là kinh Đại Phương đẳng Như lai tạng. Trong kinh dùng 9 thí dụ để trình bày về Như lai tạng, là một bộ phổ biến của thuyết Như lai tạng. 4. Kinh Đại Bát-nê-hoàn, 6 quyển, do Pháp hiển dịch vào đời Tấn, niên hiệu Nghĩa Hi năm thứ 13 (417-418 A.D.). Bộ kinh này, theo truyền thuyết, cùng với bản kinh Nê-hoàn, gồm 20 quyển, do Trí mãnh dịch tại Lương châu vào đời Tống, là cùng nguyên bản mà dịch khác nhau.
Lục quyển Nê-hoàn ký và Nhị thập quyển Nê-hoàn ký, nói giống nhau rằng bản kinh này là tìm được từ xứ Bà-la-môn ở thành Hoa-thị (Pāṭaliputra), thuộc miền trung của Thiên trúc.4 Mười quyển đầu của kinh Đại Bát-niết-bàn do Đàm-vô-sấm dịch, từ phẩm Thọ mạng thứ nhất đến phẩm Câu hỏi của tất cả đại chúng thứ 5, cũng là bản dịch khác của bộ kinh này. Theo Đại Bát-niết-bàn kinh ký, 10 quyển đầu do Đàm-vô-sấm dịch, là bản kinh do Trí mãnh lấy được từ Ấn độ, mà lưu giữ tại Cao xương chăng?5 5. Kinh Đại Bát-niết-bàn, 40 quyển, Đàm-vô-sấm dịch ra, bắt đầu từ tháng 10, đời Bắc Lương, niên hiệu Huyền Thỉ năm thứ 10 (421 A.D.), tại Cô Tang. Trước hết dịch 10 quyển đầu, cùng với kinh Đại Bát-nê-hoàn do Pháp hiển dịch, là cùng nguyên bản mà dịch khác nhau.
Do vì nguyên bản của kinh này không đầy đủ hoàn toàn, Đàm-vô-sấm trở lại Tây phương [Thiên trúc] để tìm kiếm, lại tìm được bản kinh này ở tại nước Vu-điền, rồi ngài trở lại Cô Tang dịch ra.6 Truyền thuyết tuy có thêm bớt một ít, nhưng 10 quyển đầu và bộ phận được tiếp tục dịch thêm vào đời sau này, thời đại thành lập có trước sau nên giải thích cũng có điểm bất đồng, đây là điều không có thể nghi ngờ được! 6. Kinh Đại vân, hoặc gọi là kinh Vô tưởng, do Đàm-vô-sấm dịch. Hiện nay còn kinh Đại Phương đẳng Vô tưởng, 6 quyển, chia làm 37 kiền-độ. Riêng lẻ có Đại vân vô tưởng kinh quyển thứ chín, 1 quyển. Trong kinh Đại vân, đã nói đến ‘thường, lạc, ngã, tịnh’ và Phật tánh. 7. Kinh Đại Pháp cổ, 2 quyển, do Cầu-na-bạt-đà-la (Guṇabhadra) dịch, trong đời Tống, niên hiệu Nguyên Gia (trước sau năm 440 A.D.). 8. Kinh Ương-quật-ma-la, 4 quyển, Cầu-na-bạt-đà-la dịch và đời Tống, niên hiệu Nguyên Gia Trung. Tạng Đại chánh biên tập vào Bộ A-hàm thì rất không thỏa đáng. 9. Kinh Thắng man sư tử hống Nhất thừa đại phương tiện phương quảng, 2 quyển, do Cầu-na-bạt-đà-la dịch lần đầu tiên, vào đời Tống, niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 13 (436 A.D.).
Vào đời Đường, giữa niên hiệu Thần Long năm thứ 2 đến niên hiệu Tiên Thiên năm thứ 2 (706-713 A.D.), Bồ-đề-lưu-chí (Bodhiruci) dịch lại, biên tập làm Thắng man phu nhân hội thứ 48 của kinh Đại Bảo tích. 10. Lăng-già bạt-đà-la bảo kinh, 4 quyển, do Cầu-na-bạt-đà-la dịch lần đầu tiên, vào đời Tống, niên hiệu Nguyên Gia năm thứ 13 (436 A.D.). Bản dịch khác thì có 2 bản: 1. Do Bồ-đề-lưu-chí dịch vào đời Nguyên Ngụy, niên hiệu Diên Xương năm thứ 2 (513 A.D.), gọi là kinh Nhập Lăng-già, 10 quyển. 2. Do Thật-xoa-nan-đà (Śikṣānanda) dịch vào đời Đường, niên hiệu Trường An năm thứ 4 (704 A.D.), gọi là kinh Đại thừa Nhập Lăng-già, 7 quyển. Bản dịch đời Ngụy và Đường, so với bản dịch đời Tống, thì đã có tăng thêm phần ‘thỉnh Phật’, ‘vấn đáp’ trong phần Tự khởi, và phần kệ tụng ở sau cùng. 11. Kinh Bảo tích tam-muội Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát vấn Pháp thân, mất tên người dịch, 1 quyển, xem Tân tập tục tuyển thất dịch tạp kinh lục của Xuất Tam tạng ký tập,7 là kinh mà ngài Đạo An không thấy được. Từ Lịch đại Tam bảo ký, được viết vào đời Tùy, về sau, chép là do An Thế Cao dịch vào đời Hậu Hán, là điều không đủ để tin! Dựa vào từ ngữ dùng để dịch, nó phải là được dịch từ đời Tây Tấn trở về trước. Vào đời Tùy, niên hiệu Khai Hoàng năm thứ 15 (595 A.D.), Xà-na-quật-đa (Jñānagupta) dịch lại, gọi là kinh Nhập pháp giới thể tánh, 1 quyển. 12.
Kinh Như lai trang nghiêm trí huệ quang minh nhập nhất thiết Phật cảnh giới, 2 quyển, do Đàm-ma-lưu-chi dịch lần đầu tiên, vào đời Nguyên Ngụy, niên hiệu Cảnh Minh năm thứ 2 (501 A.D.). Vào đời Lương, khoảng giữa niên hiệu Thiên Giám năm thứ 5 và niên hiệu Phổ Thông nguyên niên (506-520 A.D.), Tăng-già-bà-la (Saṃghavarman), v.v, dịch lại, gọi là kinh Độ nhất thiết chư Phật cảnh giới trang nghiêm, 1 quyển. Vào đời Triệu Tống, vào sau niên hiệu Đại Trung Tường Phù năm thứ 3 (1010 A.D.), Pháp hộ (Dharmapāla), v.v., dịch là kinh Đại thừa Nhập chư Phật cảnh giới quang minh trang nghiêm, 5 quyển. 13. Kinh Bất tăng bất giảm, 1 quyển, do Bồ-đề-lưu-chí dịch, vào đời Nguyên Ngụy, niên hiệu Hiếu Xương nguyên niên (525 A.D.). 14. Kinh Vô thương y, 2 quyển, do Chân đế (Paramārtha) dịch, vào đời Trần, niên hiệu Vĩnh Định năm thứ 2 (558 A.D.), có thuyết nói nó được dịch vào đời nhà Lương. Kinh Vô thượng y chia làm 6 phẩm, phẩm Hiệu lượng công đức thứ nhất, cùng với kinh Vị tằng hữu mà đã mất tên người dịch, và kinh Thậm hi hữu do Đường Huyền trang dịch, là cùng bản mà dịch khác nhau. 15. Kinh Thắng thiên vương bát-nhã ba-la-mật, 7 quyển, do Nguyệt-bà-thủ-na (Upaśūnya) dịch, vào đời Trần, niên hiệu Thiên Gia năm thứ 6 (565 A.D.).
Vào đời Đường, khoảng giữa niên hiệu Hiển Khánh năm thứ 5 và niên hiệu Long Sóc năm thứ 2 (660-663 A.D.), kinh Đại Bát-nhã ba-la-mật-đa (phần thứ 6), 8 quyển (tương đương quyển 566-573 của bộ kinh lớn này) do Đường Huyền trang dịch, chính là dịch lại của kinh Thắng thiên vương bát-nhã. Bản kinh này là do từ kinh Bảo vân, kinh Vô thượng y, v.v., biên tập thành.8 16. Kinh Đại thừa Mật nghiêm, 3 quyển, do Địa-bà-ha-la (Divākara) dịch, vào đời Đường, khoảng giữa Vĩnh Long, Thùy Củng nguyên niên (680-685 A.D.). Vào đời Đường, niên hiệu Vĩnh Thái nguyên niên (765 A.D.), Bất không (Amoghavajra) dịch lại, cũng gọi là kinh Đại thừa Mật nghiêm, 3 quyển. Các Luận điển thuộc về thuyết Như lai tạng, có: 1. Luận Cứu cánh Nhất thừa bảo tánh, 4 quyển, đời Nguyên Ngụy, niên hiệu Chánh Thỉ năm thứ 5 (508 A.D.) được truyền đến Trung hoa, do Lặc-na-ma-đề (Ratnamati) dịch. Bộ luận này, có phần bổn tụng và giải thích – kệ tụng và văn xuôi, không có nên rõ tên của người làm ra luận này. Ngoài bản Hán dịch, hiện nay còn có bản Phạn và bản dịch sang Tạng ngữ. Theo truyền thuyết của các bậc cổ nhân ở Trung quốc, thì luận Bảo tánh là do Bồ-tát Kiên huệ (Sāramati) làm ra.
Nhưng theo truyền thuyết của Tây tạng thì: phần kệ tụng là do Do-lặc (Maitreya) tạo, phần giải thích của luận là do Vô trước (Asaṅga) tạo. Đối với tác giả của bản luận này, thời cận đại có ý kiến bất đồng. Bà-tẩu-bàn-đậu Pháp sư truyện của Chân đế, nói: Thế thân (Vasubandhu) làm ra luận Tam bảo tánh.9 Tam bảo tánh chính là Bảo tánh, cho nên tác phẩm Nghiên cứu về bản Phạn-Hán đối chiếu của luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, suy đoán là Kiên huệ làm phẩn bổn tụng, Thế thân làm phần giải thích của luận.10 2. Luận Phật tánh, 4 quyển, Chân đế dịch ra vào đời nhà Trần. Phần đầu của luận này là phá trừ ngoại đạo, Tiểu thừa, Đại thừa chấp về không, lập nên 3 tánh, 3 vô tánh; bộ phận sau, cùng với phần giải thích của luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, đại để phù hợp với nhau. Tương truyền là do Thế thân tạo, e rằng chưa hẳn là như vậy. 3. Luận Đại thừa pháp giới vô sai biệt, 2 quyển, do Bồ-tát Kiên ý tạo. Hiện nay còn có 2 bản: 1. Bản gồm có 24 bài tụng bằng thể 5 chữ [ngũ ngôn], chia làm 12 nghĩa, giải thích riêng từng bài kệ, đây là bản luận mà ngài Hiền Thủ dựa vào để làm sớ giải. 2. Bản nêu ra tổng thảy 24 bài tụng bằng thể 7 chữ [thất ngôn], sau đó chia làm 12 nghĩa để giải thích. Về luận nghĩa thì tương đồng, đều nói là do Đề-vân-bát-nhã dịch vào đời Đường.
Nhưng theo ghi chép của Khai nguyên thích giáo lục, thì chỉ cho tụng bản theo thể 5 chữ. Luận Cứu cánh Nhất thừa Bảo tánh, luận Phật tánh, luận Đại thừa pháp giới vô sai biệt, cùng với kinh Vô thượng y, ý nghĩa đều vô cùng gần nhau. Đây là vào cuối thế kỷ thứ 4 A.D., các Luận sư đem các kinh điển của Như lai tạng đang lưu hành lúc bấy giờ, chia ra làm 10 môn (hoặc 12 nghĩa) để làm một bộ luận tổng quát nhằm liên kết và tóm thâu lại. Đây vẫn là thuyết Như lai tạng (không có trích dẫn kinh Lăng-già), chẳng phải là thuyết Như lai tạng duyên khởi. Đại khái cùng đồng thời với luận Bảo tánh, đã có lưu truyền ra kinh Lăng-già, lập nên Như lai tạng tàng thức (tathāgatagarbha-ālayavijñāna), Như lai tạng và Tàng thức kết hợp thành một dòng, do vậy lại có luận điển giống như là luận Đại thừa khởi tín. Luận Khởi tín và kinh Lăng-già, có truyền thuyết ‘nghi là ngụy tạo’, cho nên không liệt kê thêm vào trong luận… MỤC LỤC:
MỤC LỤC
BẢNG VIẾT TẮT
PHÀM LỆ
DẪN VÀO HỌC THUYẾT NHƯ LAI TẠNG
LỜI TỰA
CHƯƠNG 1 – DẪN NHẬP - Địa Vị Học Thuyết Như Lai Tạng Trong Phật Giáo
- Những Kinh Luận Liên Quan Đến Như Lai Tạng
- Tên Gọi Và Ý Nghĩa Của Như Lai Tạng
CHƯƠNG 2 – TÌM HIỂU NGUỒN GỐC CỦA TƯ TƯỞNG NHƯ LAI TẠNG
- Như Lai Và Pháp Thân
- Như Lai Và Giới
- Như Lai Và Ngã
- Phật Tử Và Chủng Tánh Phật
CHƯƠNG 3 – SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THUYẾT TÂM TÁNH BỔN TỊNH
- Thuyết Tâm Tịnh Của Kinh Luận Thuộc Thanh Văn
- Thuyết Tâm Tánh Bổn Tịnh Của Đại Thừa Sơ Kỳ
CHƯƠNG 4 – SỰ PHÔI THAI VÀ HOÀN THÀNH CỦA THUYẾT NHƯ LAI TẠNG
- Pháp Pháp Bình Đẳng Và Sự Sự Vô Ngại
- Thuyết Như Lai Tạng Hàm Súc Trong Kinh Hoa Nghiêm
- Tâm Bồ-Đề Tâm Bồ-Đề Chúng Sanh Giới
- Kinh Như Lai Tạng
CHƯƠNG 5 – THÁNH ĐIỂN SƠ KỲ CỦA THUYẾT NHƯ LAI TẠNG
- Phong Cách Của Thánh Điển Sơ Kỳ Và Người Hoằng Truyền
- Như Lai Và Như Lai Tạng
- Như Lai Tạng Ngã
- Như Lai Tạng Chẳng Phải Là Không
CHƯƠNG 6 – DÒNG CHÍNH CỦA HỌC THUYẾT NHƯ LAI TẠNG
- Pháp Môn Như Lai Tạng Trong Truyền Thuyết
- Chủ Đích Của Luận Bảo Tánh Là Luận Về Như Lai Tạng
- Những Kinh Luận Làm Cơ Sở Cho Luận Bảo Tánh
- Phân Tích Ý Nghĩa Của Luận Bảo Tánh
CHƯƠNG 7 – THUYẾT NHƯ LAI TẠNG CỦA HỌC PHÁI DU-GIÀ
- Lược Thuyết Về Học Phái Du-Già
- Thuyết Như Lai Tạng Của Du-Già Duy Thức Học
- Thuyết Như Lai Tạng Do Chân Đế Truyền
CHƯƠNG 8 – SỰ THẨM ĐỊNH VỀ NHƯ LAI TẠNG VÀ PHẬT TÁNH
- Thuyết Như Lai Tạng Của Kinh Lăng-Già
- Thuyết Phật Tánh Trong Bộ Phận Được Dịch Tiếp Tục Của Kinh Niết-Bàn