094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

ĐẠI THỪA QUẢNG NGŨ UẨN LUẬN - VU LĂNG BA ĐẠI THỪA QUẢNG NGŨ UẨN LUẬN - VU LĂNG BA Biên Soạn: Vu Lăng Ba
Dịch: Lê Hồng Sơn
NXB: Phương Đông
Số Trang: 166 Trang
Hình Thức: Bìa Mềm
Khổ: 14,5x20,5cm
Năm XB: 2013
Độ Dày: 0,9cm
DTQN SÁCH VỀ LUẬN 40.000 đ Số lượng: 1000048 Quyển
  • ĐẠI THỪA QUẢNG NGŨ UẨN LUẬN - VU LĂNG BA

  •  2277 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: DTQN
  • Giá bán: 40.000 đ

  • Biên Soạn: Vu Lăng Ba
    Dịch: Lê Hồng Sơn
    NXB: Phương Đông
    Số Trang: 166 Trang
    Hình Thức: Bìa Mềm
    Khổ: 14,5x20,5cm
    Năm XB: 2013
    Độ Dày: 0,9cm


Số lượng
đại thừa quảng ngũ uẩn luận


LỜI GIỚI THIỆU:

Trong truyền thống tâm linh của nhân loại nói chung, trong Phật giáo nói riêng đều rất chú trọng đến tâm thức hơn thân xác. Đến nỗi, sự chú trọng ấy, mọi hoạt động khác đều quy chiếu về tâm, nhất là trên hành trình thực hành đến mục đích cao cả mỗi truyền thống đều lấy tâm làm xuất phát điểm và cũng lấy tâm làm nơi kết thúc. Thế nhưng, nếu hỏi tâm là gì và tâm hoạt động như thế nào? Thì hầu hết không thể trả lời được hay trả lời một cách có hệ thống rõ ràng lại càng không có, trừ đạo Phật.

Khi còn tại thế Đức Thế Tôn luôn luôn đề cập đến vấn đề này trong mọi trường hợp, từ hoạt động của năm giác quan biểu hiện ra ngoài, là cửa sổ tiếp xúc với ngoại giới, đến ý thức nội tại điều khiển hoạt động của năm giác quan ấy. Ngay cả vũ trụ và nhân sinh cũng được giải thích dựa trên nền tảng của tâm thức. Vì vậy trong hệ thống kinh điển Nguyên thủy của Phật giáo chiếm phần lớn nói về nguyên ủy, biểu tượng, hoạt dụng và kết quả của tâm thức.

Trong tinh thần nhất quán đó, thuyết năm uẩn là giáo lý cơ bản của Phật giáo Nguyên thủy, Kinh Tạp A Hàm là thánh điển căn bản. Trong kinh tiểu Bộ 1362 có ngũ uẩn tụng chiếm hết 178 kinh thì đủ biết tính chất trọng yếu của nó (mà năm uẩn chỉ có một phần là sắc: vật chất, bốn phần còn lại là tâm). Trong kinh điển Hán dịch, ngoài kinh Tạp A Hàm còn một ít kinh liên quan đến năm uẩn. Như đời Đông Hán, ngài An Thế Cao dịch kinh Ngũ Ấm Dụ, đời Đường Ngài Nghĩa Tịnh dịch kinh Phật Thuyết Ngũ Uẩn Giai Không.

Tại Ấn Độ, thuyết năm uẩn là lý luận cơ bản của Phật giáo. Về sau, nhiều luận điển từ đó mà ra. Thời đại bộ phái Phật giáo, Tát bà đa bộ đem các pháp quy nạp thành năm vị, bảy mươi lăm pháp. Trong đó, năm uẩn thu chung vào bảy mươi hai pháp, còn ba pháp vô vi không thuộc năm uẩn. Đến thời đại Đại thừa Phật giáo, tiếp theo học phái Trung Quán của ngài Long Thọ có ngài Vô Trước, Thế Thân kiến lập học phái Du Già Hạnh của Đại thừa Hữu tông. Ngài Thế Thân làm luận Đại Thừa Ngũ Uẩn như luận điển nhập môn của Duy Thức Tông.

Càng đọc kinh điển Phật giáo và nuôi dưỡng, trầm tư những điều Phật dạy, qua thời gian trải nghiệm cuộc đời mới thấu hiểu Phật pháp gần gũi và thực tế với con người đến mức nào. Ngay cả trên bước đường tu học cũng thế, không xa xôi và vọng cầu bên ngoài. Tại thân năm uẩn này, ở đây và bây giờ, làm đối tượng quán sát để thấy vô thường, khổ, không là điều có thật, trước mắt. Cắt đứt những vọng tưởng truy cầu những điều không có thật, chỉ cần qua nhận định của ý thức cũng thấy, là chúng ta đã có một phần an lạc, thong dong trước mọi vấn đề phức tạp của cuộc sống cá nhân và cộng đồng. Từ đó thư  thái hơn, tỉnh táo hơn chúng ta bước tiếp trên con đường giải thoát những cảm thức phiền muộn và đau khổ.


 
đại thừa quảng ngũ uẩn luận 1


Tên đủ của sách này là Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận Giảng Ký của cư sĩ Vu Lăng Ba soạn, chắc chắn có liên quan đến Luận Đại Thừa Ngũ Uẩn của bồ tát Thế Thân (và Ngũ uẩn quảng luận của bồ tát An Huệ sáng tác). Một bộ luận, mà sau này, những giáo lý căn bản của Phật giáo được hình thành từ đó, đồng thời là phương pháp tu tập lấy thân, tâm của ta làm đối tượng quán sát, thể nghiệm. Luận Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn với hình thức này đến tay quý vị là do Đại đức Thích Trung Hạnh giúp phần vi tính và cháu Nguyễn Thị Ngọc Trâm tùy hỷ công đức. Nội dung của sách đã dịch được hai phần ba, khi bệnh của tôi chưa phát hiện. Sau khi phát hiện bệnh, giải phẫu xong, đến giai đoạn hóa trị, tôi dịch phần còn lại. Tôi cố làm như vậy là để chiêm nghiệm xem sự tương quan giữa thân và tâm như thế nào? Nhưng tôi đã thất bại vì không tìm thấy sự độc lập giữa danh và sắc. Tôi đem ý này hỏi bạn tôi. Bạn tôi trả lời khi nào chứng quả A-La-Hán thì tâm không lệ thuộc vào thân, mà tôi thì công phu chưa có gì! Thôi cứ chịu đựng, ráng làm việc, như một cách tu, tôi tự nhủ! Và tôi đã hoàn thành dịch phẩm; hôm nay đủ duyên đến tay quý vị. Nếu có gì sơ suất trong đây, xin quý vị lượng thứ cho. Trân trọng tri ân.

Lê Hồng Sơn (15-11-2012)



TRÍCH ĐOẠN:

BÀI 1 – NÓI VỀ SỰ NHÓM HỌP CỦA NĂM UẨN
A: Ngũ Uẩn Là Chất Liệu Cơ Bản Cấu Thành Thế Gian.

Chữ uẩn trong ngũ uẩn, tiếng Phạn là Skandha, âm là Tắc kiện đà, có nghĩa là nhóm họp, tích tụ. Ý nói nhóm họp năm thứ này thì làm nên thân tâm của con người. Ngũ uẩn cựu dịch là ngũ ấm. Ấm có nghĩa là giặc ngầm, vì năm thứ này có thể ngầm làm tổn hại tánh đức của con người. Trong kinh Phật chia thế gian làm hai; khí thế gian và hữu thế gian. Khí thế gian là thế giới vật chất, chúng ta nhờ đó mà sống còn. Hữu tình thế gian là chúng sanh có tình thức, mà con người là đại biểu. Uẩn của năm uẩn, theo phạm trù nhận thức cận đại, là tác dụng tinh thần và hiện tượng vật chất của năm nguyên tố cấu thành thế gian này. Nhưng năm uẩn còn có một loại có tánh phổ biến. Tánh phổ biến này là pháp. Năm uẩn là lãnh vực của năm loại pháp. Năm loại pháp này hỗn nhiên họp thành một nhóm, nên gọi là năm uẩn.

Năm uẩn gồm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn là chất liệu cấu thành tác dụng của tinh thần loài hữu tình. Sự nhóm họp của năm uẩn không phải biểu thị của thế giới chủ quan, cũng không phải biểu thị của thế giới khách quan, mà là một thế giới nhất thể về pháp vừa chủ quan vừa khách quan. Đây là lý luận giữa Phật giáo và ngoại đạo không có điểm chung.


 
đại thừa quảng ngũ uẩn luận 2


Tuần Tự Phân Tích Từng Uẩn:

Sắc uẩn: Tương đương khái niệm vật chất. Sắc uẩn là sự nhóm họp của hiện tượng vật chất, là tính chất tồn tại của vật chất. Luận Đại thừa A tỳ đạt ma tạp tập nói: Tướng của sắc uẩn là gì?
Đáp: Biến hiện là sắc tướng. Sự biến và hiện này có hai cách; va chạm thì thay đổi; nơi chốn thì thị hiện (biểu thị). Trong Ngũ sự tỳ bà sa luận nói kỹ về điểm này.
Hỏi: Nương vào nghĩa gì mà nói đó là sắc?
Đáp: Nhóm họp lần lần, hư hao lần lần,  sanh trưởng nhiều thứ, gặp oán hoặc thân, liền có thể hư hoặc nên đều là nghĩa của sắc. Do đây, định nghĩa của sắc là chất ngại, nó có hình thể, chiếm cứ một không gian và còn biến đổi, hư hoại.
Sắc không phải là một cá thể độc lập, mà do bốn đại tụ họp làm nên. Bốn đại  tổ hợp làm nên năm cơ quan cảm giác và thân thể của loài hữu tình, đồng thời cũng làm nên đối tượng ở ngoài của năm cơ quan ấy. Đó chính là tất cả hiện tượng vật chất của thế gian.

Thọ uẩn: Thọ là một lại tác dụng tinh thần của loài hữu tình; là một loại tác dụng cảm thọ của tâm lý; là cảm giác và cảm tình họp lại làm nên cảm thọ. Còn có ba thứ căn, cảnh, thức hòa hợp mà sanh ra xúc. Cảm giác lãnh thọ xúc chính là thọ. Thọ có 3 loại: khổ thọ, lạc thọ và xả thọ. So với cảm tình của tâm lý học hiện đại thì thọ có vài điểm không giống nhau. Tác dụng cảm tình của tâm lý học hiện đại thì sự tồn tại của chủ quan và khách quan đối lập nhau, còn thọ của thọ uẩn thì dựa theo giáo lý vô ngã của Phật giáo mà nói, nên chủ quan, khách quan vắng mặt ở đây; hay chủ quan, khách quan từ trước chưa xuất hiện trong lãnh vực pháp của Phật giáo. Ý này không chỉ đề cập cho cảm giác của thọ mà còn đề cập cả bản thân tư tưởng của thọ. Vì vậy, đối với ngũ uẩn, giữa tri giác, cảm thọ. Vì vậy, đối với ngũ uẩn, giữa tri giác, cảm tình và tư duy không thể phân định rạch rồi.

Tưởng uẩn: Tưởng là tri giác hoặc là biểu tượng của tư tưởng. Tưởng trong kinh điển giải thích, là đối với cảnh chọn lấy hình tượng làm tánh, thiết lập danh ngôn làm nghiệp. Theo quan niệm hiện đại thì tưởng tương đương với nắm bắt biểu tượng, hình thành hoạt động tinh thần là ngôn ngữ khái niệm. Song, theo Nguyên thủy Phật giáo thì nắm bắt hình tượng của tưởng uẩn, không phải là tâm thôi, mà là bao quát và dung họp các tâm tri giác, quan niệm, tư tưởng và biểu tượng (bao quát biểu tượng của tri giác và biểu tượng của ký ức). Do vậy, biểu tượng nắm bắt không phải là ngoại giới phản ánh vào nội tâm, mà biểu tượng hình thành từ vạn tượng, cần phải dựa vào căn bản tồn tại này. Trong kinh Tạp A Hàm gọi tưởng có sáu thứ: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Như vậy thì tưởng có liên hệ đến thể tánh của pháp.

Hành uẩn: Hành trong kinh điển giải thích là tạo tác, cũng giải thích là hành vi; đặc biệt là xu hướng tâm lý của quyết đoán, kế hoạch, mục đích, là nhân tố chi phối hành vi, quyết định trong tư tưởng của con người. Tất cả những cái này hình thành ra ý chí. Từ trong kinh điển Nguyên thủy, hành cũng chỉ sanh, diệt,  thay đổi, bao hàm ý tưởng vô thường, trôi chảy nên gọi là chư hành vô thường (các hành là vô thường), làm nên một trong những yếu tố cơ bản của duyên khởi thuyết sau này. Trong A tỳ đạt ma của Phật giáo bộ phái cho hành là hiện tượng giới của tất cả sự vật trừ sắc, thọ, tưởng, thức uẩn  ra ngoài. Triết học A tỳ đạt ma lập ra 75 pháp, trong 46 pháp tâm sở trừ thọ, tưởng còn 44 tâm sở và 14 pháp bất tương ưng hành đều thu vào trong hành uẩn.

Thức uẩn: Thức là một loại tác dụng phân biệt, sanh khởi từ phân tích và phân loại các đối tượng. Thức chính là ý thức. Nguyên nhân định nghĩa thức là phân biệt rạch ròi, là chỉ cho tất cả hoạt động đều dựa vào chủ thể tinh thần mà phát sanh. Giai đoạn đầu, Phật giáo chia thức thành sáu thứ: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỵ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức và Ý Thức, để phân biệt sáu cảnh. Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Đến Đại thừa Phật giáo thì phát triển thành tám thức là Mạt na thức, A lại da thức, và tiếp theo sáu thức trước. Trong kinh A hàm của kinh điển Nguyên thủy gọi thức là Biệt Tri Tướng, như nhãn thức do nhãn căn phân biệt sắc, nhĩ thức do nhĩ căn phân biệt tiếng, tỵ thức do tỵ căn phân biệt hương, thiệt thức do thiệt căn phân biệt vị, thân thức do thân căn phân biệt xúc, có ý thức do ý căn phân biệt pháp. Năm thức đầu, tự thân mỗi thức phân biệt ngoại cảnh. Ý thức thì phân biệt tướng, sai biệt của vạn tượng – vạn tượng của tự tướng và cộng tướng – tức là hình tướng đơn độc so với hình tướng các vật khác. Vạn tượng trong thế gian, lấy cái gì để có phân biệt các tướng khác nhau? Do sự phân biệt của thức mà có, đó chính là Biệt Tri Tướng. Bản  thân của thức là phạm trù của pháp. Vạn tượng được tồn tại qua giác, thọ, tưởng, hành, thức; xa lìa năm uẩn t hì không thể đề cập đến vạn tượng.


 
đại thừa quảng ngũ uẩn luận 3


Năm uẩn chính là thế gian – gồm cả hữu tình thế gian và khí thế gian – năm uẩn thế gian này không phải là thế giới của ý thức trừu tượng – Duy tâm luận – cũng không phải là hai tính khác nhau (hay trước sau) của vật chất và tinh thần của Duy vật luận, mà năm uẩn thế gian là tổng hợp tâm vật. Thế gian này tồn tại là do thời gian tánh và không gian tánh, vì vậy, năm uẩn chỉ là hiện tượng, chỉ là trạng thái duyên khởi của vô cùng tận. Duyên khởi lại không phải là khách quan thật có. Đức Phật thừa nhận là duyên khởi tức là thực tướng, là trạng thái nhất như  của chủ khách. Nói cách khác, duyên khởi tức là nhận thức luận về hiện tượng, thế giới mà xa lìa nhận thức thì không có vạn tượng có thể nói. Do đó, xa lìa chủ quan thì khách quan cũng không.

B: Năm Uẩn Và Duyên Khởi.

Năm uẩn còn gọi là danh sắc. Sắc gồm bốn đại; đất, nước, gió, lửa là nguyên tố hình thành vật chất. Danh gồm bốn uẩn vô sắc: thọ, tưởng, hành, thức là điều kiện hình thành tác dụng của tinh thần. Kinh 28 Tạp A Hàm nói: Thế nào là danh? Đó là bốn ấm vô sắc: thọ, tưởng, hành, thức. Thế nào là sắc? Đó là bốn đại. Sắc được tạo ra bởi bốn đại, đó gọi là sắc. Sắc là chất liệu cấu thành khí thế gian và thân thể loài hữu tình; cái gọi là tác dụng của tinh thần là sự cấu thành do sự hòa hợp của danh và sắc. Đó là chúng sanh có tình thức, tình kiến mà chúng ta gọi là con người. Hữu tình thế gian và khí thế gian có được là sự cấu thành của năm uẩn nhóm hợp.

Thuyết năm uẩn nhóm hợp là một bộ phận của giáo lý cơ bản Phật giáo Nguyên thủy, nhưng thuyết này lại xây dựng trên cơ sở của duyên khởi. Duyên khởi là giáo lý cơ bản của Phật giáo Nguyên thủy với tiếng Phạn gọi là Pratityasamutpady có ý là “do quan hệ giữa cái này và cái kia mà có sanh khởi”, hoặc là “đạo lý (nguyên tắc) phát sanh quan hệ giữa cái này và cái kia (sinh mạng và thế gian) của hiện tượng giới”. Vì thế cũng nói là trong hiện tượng giới không có sự vật nào tồn tại một cách độc lập mà đều có quan hệ, đối đãi mới có sanh khởi và tồn tại. Trong kinh Tạp A hàm thuộc hệ kinh điển Nguyên thủy đã đưa ra định nghĩa về duyên khởi như sau:

Cái này có nên cái kia có
Cái này sanh nên cái kia sanh
Cái này không nên cái kia không
Cái này diệt nên cái kia diệt.

Giữa sự tồn tại và quan hệ này có hai thứ. Tồn tại và quan hệ đồng thời. Tồn tại và quan hệ khác thời, tức là cái này sanh nên cái kia sanh, cái này là nhân còn cái kia là quả. Dựa vào tồn tại và quan hệ đồng thời, tức là cái này có nên cái kia có, cái này là chủ còn cái kia là theo (Tòng). Nhân quả chủ tòng này không hoàn toàn tuyệt đối. Nói cách khác, nhân quả chủ tòng còn có thể đảo trí, nên trong kinh có nói:

Ví như ba cây lau, dựng đứng nơi đất trống, nương vào nhau mà đứng thẳng. Nếu bỏ một cây, hai cây còn lại không đứng được. Nếu bỏ hai cây, một cay còn lại cũng không đứng được. Ba cây, chỉ nương tựa vào nhau, mới đứng thẳng được. Thức duyên danh, sắc cũng như thế, nương tựa vào nhau mới sanh trưởng được. Sự quan hệ giữa thức và danh sắc này là sự quan hệ dựa vào sự hổ tương, đối đãi. Đó chính là duyên khởi. Nhưng nhân duyên của duyên khởi chính là danh sắc, cũng chính là năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Dựa vào lý duyên khởi mà nói tất cả pháp đều dựa vào nhân, cậy vào duyên, tất cả là tổ hợp rất nhiều nhân tố và điều kiện, làm nên pháp hữu vi sanh diệt, biến đổi. Đó là lý do sự vật không vĩnh viễn, không bất biến. Tất cả việc này là vô thường và cũng không tồn tại đơn lập nên là vô ngã. Vô thường và vô ngã chính là thật tướng của năm uẩn ở thế gian.

C: Năm Uẩn Vô Ngã.

Kinh Tạp A hàm của kinh điển Nguyên thủy, đức Phật vì bốn chúng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di … Giảng nói giáo lý cơ bản: Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên. Toàn bộ Tạp A hàm, 50 quyển chữ Hán, tổng cộng 1316 kinh ngắn. Trong 1316 kinh này có ngũ ấm tụng liên quan đến năm uẩn, cộng có 178 kinh, chiếm tỉ lệ toàn bộ kinh là 1/7. Trong ngũ ấm tụng Phật lại chỉ dạy: Điều quan trọng của chúng ta đối với năm ấm là phải có một nhận thức chính xác, đó là nhận thức chính xác về vô thường, vô ngã; như Tạp A hàm, kinh thứ hai nói:

Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ Phật ở trong vườn Kỳ thọ Cấp cô độc, nước Xá vệ. Lúc bấy giờ, Phật bảo các vị Tỳ kheo: “đối với sắc là vô thường, biết đúng như thật. Vì lý do gì? Các Tỳ Kheo! Đối với sắc, người nào suy nghĩ đúng đắn, người nào quan sát sắc là vô thường, biết đúng như thật thì lòng tham dục đối với sắc dứt trừ được; lòng tham dục đã dứt trừ thì nói là tâm đã giải thoát. Cũng như thế đối với thọ, tưởng, hành,  thức phải suy nghĩ  thật đúng đắn, người nào quán sát thức là vô thường thì đối với thức lòng tham đã dứt trừ; lòng tham dục đã dứt trừ thì nói là tâm đã giải thoát….


 

MỤC LỤC:

LỜI GIỚI THIỆU (5)
BÀI 1. NÓI VỀ SỰ NHÓM HỌP CỦA NĂM UẨN (9)
BÀI 2. NGŨ UẨN LUẬN VỚI QUẢNG NGŨ UẨN LUẬN (23)
BÀI 3. SẮC UẨN NHƯ THẾ NÀO (35)
BÀI 4. TỨ ĐẠI VÀ CỰC VI (48)
BÀI 5. THỌ UẨN VÀ TƯỞNG UẨN (61)
BÀI 6. PHÁP TƯƠNG ƯNG HÀNH Ở TRONG HÀNH UẨN (75)
BÀI 7. TÂM SỞ THIỆN VÀ PHIỀN NÃO TRONG TƯƠNG ƯƠNG HÀNH (88)
BÀI 8. GIẢNG TÂM SỞ TÙY PHIỀN NÃO, BẤT ĐỊNH (103)
BÀI 9. HÀNH UẨN TRONG BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH (116)
BÀI 10. THỨC UẨN, MỘT TRONG SAU THỨC RƯỚC (129)
BÀI 11. THỨC MẠT NA VÀ THỨC A LẠI DA (142)
BÀI 12. TAM KHOA, LỤC VÔ VỊ (155)
MỤC LỤC (167)


 
thông tin cuối bài viết
 
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây