094.278.3333 - 0888.959.000

187 Bà Triệu - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

LUẬN THÀNH DUY THỨC - HT TUỆ SỸ LUẬN THÀNH DUY THỨC - HT TUỆ SỸ Hán Dịch: Huyền Trang
Việt Dịch: Tuệ Sỹ
NXB: Hồng Đức
Số Trang: 717 Trang
Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập
Khổ: 14x20,5cm
Năm XB: 2021
Độ Dày: 3,2cm
LTDT SÁCH VỀ LUẬN 220.000 đ Số lượng: 999999 Quyển
  • LUẬN THÀNH DUY THỨC - HT TUỆ SỸ

  •  4078 Lượt xem
  • Mã sản phẩm: LTDT
  • Giá bán: 220.000 đ

  • Hán Dịch: Huyền Trang
    Việt Dịch: Tuệ Sỹ
    NXB: Hồng Đức
    Số Trang: 717 Trang
    Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập
    Khổ: 14x20,5cm
    Năm XB: 2021
    Độ Dày: 3,2cm


Số lượng
Nói đến Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang thì đại đa số người đều biết, hoặc biết qua tiểu sử, qua Tây Du Ký hay biết qua phim Tây Du, Đường Tam Tạng thỉnh kinh. Dù qua cách nào người ta cũng thấy ngài là một bậc vĩ nhân hy hữu. Nhà học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết về ngài như vầy: “Đọc xong tiểu sử của ông, ta mới thấy tấm gương của ông để lại cho ta soi không có một chút vết. Các vĩ nhân khác, trừ vài vị Thánh, còn có thể có chỗ cho ta không phục, còn ông thì suốt đời thanh đạm, can đảm, cần cù, hiếu học, lễ độ, khiêm tốn, trong sạch và hy sinh”.

 
luận thành duy thức


Ngài không những là một Thánh Tăng, một Bồ tát trong Phật giáo, mà còn là một nhà sử học, văn học, tâm lý học, triết học v.v… mặt nào cũng vĩ đại. Thế nhưng có một điều ít người biết đến, đó là công trình dịch thuật vô tiền khoáng hậu của ngài không kém chi cuộc mạo hiểm đi thỉnh kinh vô tiền khoáng hậu của ngài. Thật vậy, với Phạn văn khó như thế, Hoa văn khó như thế, đạo lý khó như thế mà ngài đã dịch rất nhiều kinh sách Phật hơn bất cứ ai.

Từ Ấn Độ ngài mang về Trung Hoa 520 hòm gồm 657 bộ kinh Phật bằng Phạn văn. Từ khi về nước cho đến khi gác bút quy Tây, suốt 19 năm ròng âm thầm chuyên dịch, ngài đã dịch được 75 bộ gồm 1335 cuốn, trong đó chủ yếu là kinh Đại Bát Nhã 600 cuốn, Đại Tỳ bà sa luận 200 cuốn, Du già Sư Địa Luận 100 cuốn, Cu xá Luận 30 cuốn, Hiển Dương Thánh Giáo luận 20 cuốn, Luận Thành Duy Thức 10 cuốn v.v…

Giáo lý Đại thừa Phật giáo có ba hệ, một là hệ “Pháp Tánh Không Tuệ” với các bộ kinh như Đại Bát Nhã 600 cuốn v.v… hai là hệ “Pháp Tướng Duy Thức” với các bộ luận Du già Sư Địa 100 cuốn, Hiển Dương Thánh Giáo luận 20 cuốn, Thành Duy Thức Luận 10 cuốn v.v… ba là hệ “Pháp Giới Viên Giác” với các bộ kinh Viên Giác, Hoa nghiêm, Pháp Hoa, Niết bàn v.v…

Trong ba hệ đó, ngài Huyền Trang đã dịch ra hết chín phần mười các kinh luận thuộc hệ “Pháp Tánh Không Tuệ” và “Pháp Tướng Duy Thức“. Hai hệ giáo lý này tuy cách trình bày khác nhau rất xa, nhưng cùng nhằm một chủ đích là phá ngã pháp chấp, hiển bày Trung đạo thật tướng. Như Luận Thành Duy Thức này cuốn hai nói: “Các Tâm, Tâm sở, vì là pháp Y tha khởi, nên cũng như huyễn sự, chẳng phải thật có. Vì khiến trừ bịnh vọng chấp có thật cảnh lìa ngoài Tâm, Tâm sở nên nói Duy có Thức. Nếu lại chấp Duy thức là thật có, thì chẳng khác gì chấp ngoại cảnh, cũng là pháp chấp”. Cuốn bảy lại nói: “Trước đây nói các thức tướng sai biệt là dựa theo lý thế tục (Tục đế) mà nói, chứ không phải dựa Chơn thắng nghĩa (Chơn đế). Trong Chơn thắng nghĩa thì tâm suy miệng nói đều bặt dứt“. Như thế rõ ràng lý nghĩa cuối cùng của hệ Bát nhã và hệ Du già có gì khác nhau đâu.

Chắc hẳn đã thâm ngộ chỗ đó, nên ngài Huyền Trang đã dịch cả kinh Đại Bát nhã lẫn luận Du già một cách dung thông tự tại, không vướng mắc thiên lệch, nặng bên này nhẹ bên kia. Thái độ không thiên lệch này, ngài đã bộc lộ ngay khi còn học tại Ấn Độ. Khi đó có luận sư Sư Tử Quang tôn Trung Quán mà kích bác Du già, ngài đã hội thông cả Trung Quán và Du già để viết ra bài luận Hội Tông 3000 bài tụng để phủ chính lại bịnh thiên chấp không của Sư Tử Quang.

Bộ luận Thành Duy Thức này là bộ luận Cương yếu của môn Duy thức học, trình bày lý Duy thức theo luận pháp Nhân minh với những từ ngữ mới lạ, giản ước, nghĩa lý khúc chiết, ý kiến của các Luận sư đan xen chằng chịt, hỏi đáp không phân ranh giới rõ ràng, có khi câu hỏi ẩn trong câu đáp, dùng nhiều đại danh từ bỉ, thử, do dó thật khó lòng hiểu cho chu đáo. Đúng như lời tán thán của luận Duy thức xu yếu: “Vạn tượng hàm ư nhất tự, thiên huấn giảng ư nhất ngôn“.


 
luận thành duy thức 1



TỰA QUY KỈNH


滿



Kính lạy Đấng thanh tịnh viên mãn,
Và đấng thanh tịnh từng phần trong Duy thức tánh.
Tôi nay giải thích giáo thuyết của vị ấy,
Vì lợi ích và an lạc của các hữu tình.


Duy Thức:
● (Vijnapti-matrata): Thức là nhận biết. Khi vạn vật phản chiếu vào tâm trí ta, thì tính phân biệt, tưởng tượng của tâm đã sẵn sàng để hoạt động ngay; đó gọi là “thức”. Thức chính là bản thể của tâm. Tất cả mọi hiện tượng đều là biến hiện của thức, lìa khỏi thức thì không có gì gọi là thực tại; nói cách khác, chỉ có thức mới thực sự hiện hữu, cho nên gọi là “DUY THỨC”. Học thuyết Duy Thức, khởi thỉ ở Ấn-độ, được gọi là Du Già Hành phái (Yogacara), tức chỉ cho pháp môn tu tập bằng cách thực hành phép quán tưởng. Bồ-tát Thế Thân (thế kỉ thứ 5), sau khi qui hướng về đại thừa, đã tập đại thành các quan điểm then chốt trong Du Già tông (hàm chứa trong các trước thuật của hai vị Bồ-tát Di Lặc và Vô Trước), mà xác lập nên hệ thống triết học Duy Thức. Trong tác phẩm Duy Thức Nhị Thập Tụng, ngài đã chối bỏ sự hiện hữu của thế giới bên ngoài. Mọi hiện tượng, sự vật mà chúng ta cho là có mặt, thật sự là rỗng không, chỉ thuần là ảo ảnh. Sở dĩ chúng ta nhìn thấy chúng như là đang hiện hữu khách quan, là tại vì THỨC của mỗi cá nhân đã tạo ra ảo ảnh về chúng, làm cho chúng ta có ảo giác rằng chúng đang hiện hữu. Như vậy, thế giới hiện tượng chỉ là sản phẩm của THỨC. Từ đó mà từ “DUY THỨC” được xác lập.

Tiếp đó, trong tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng (Vijnaptimatratatrimsika), với sự thành lập thêm hai thức mạt-na và a-lại-da (trong giáo thuyết tiểu thừa trước đó chỉ thành lập 6 thức trước), Bồ-tát Thế Thân đã làm cho giáo nghĩa Duy Thức tiến xa và vững chắc hơn. Tác phẩm đó đã được coi là bản văn chính yếu của triết học Duy Thức. Tác phẩm này, sau đó đã được mười vị đại luận sư (Thân Thắng, Hỏa Biện, Đức Tuệ, An Tuệ, Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Pháp, Tối Thắng Tử, Thắng Hữu, và Trí Nguyệt) chú giải. Pháp sư Huyền Trang, sau khi du học ở Ấn-độ trở về Trung-quốc, đã tập hợp mười bản chú giải về Duy Thức Tam Thập Tụng đó, và soạn thành bộ Thành Duy Thức Luận. Đệ tử của pháp sư Huyền Trang là ngài Khuy Cơ (thế kỉ thứ 7) lại sớ giải bộ Thành Duy Thức Luận này với tác phẩm mang tên Thành Duy Thức Luận Thuật Kí, đã chính thức thành lập tông Duy Thức (hay tông Pháp Tướng) tại Trung-quốc.

Duy Thức: Các pháp thế gian đều chỉ do THỨC biến hiện; do vậy, tất cả các pháp đều không rời THỨC, cho nên gọi là “Duy Thức”


 
luận thành duy thức 2


Ngài Vô Trước đã tuân thừa pháp môn Du Già của Bồ-tát Di Lặc mà viết thành các bộ Du Già Sư Địa Luận, Phân Biệt Du Già Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Biện Trung Biên Luận, Kim Cang Bát Nhã Luận; đồng thời cũng trước tác các bộ Nhiếp Đại Thừa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, A Tì Đạt Ma Luận, v.v..., nói rộng về diệu lí “pháp tướng duy thức”. Em của ngài là Thế Thân thì trước tác đến mấy trăm bộ luận đại thừa, như Duy Thức Nhị Thập Luận, Tam Thập Luận, Phật tánh Luận, Thập Địa Kinh Luận v.v..., nhằm tuyên dương giáo nghĩa của Hữu tông đại thừa.

Diệu hữu: “Hữu” là hiện có, đang tồn tại. “Diệu hữu” cũng tức là “chân hữu”, là sự HIỆN HỮU mầu nhiệm, là cái CÓ chân thật. Vì sao mà nói là “diệu hữu”? Theo tư tưởng Duy Thức học, mọi sự vật hiện hữu được xếp theo ba loại bản tánh:

1) Sự vật chỉ hiện hữu trong tưởng tượng, trong tính phân biệt, trong những khuôn mẫu sẵn có của THỨC, chứ tự chúng không thật có như một thực thể khách quan; và Duy Thức học gọi đó là tánh “biến kế sở chấp” của vạn pháp.

2) Sự vật chỉ hiện hữu trong tương quan duyên sinh, nghĩa là bất cứ một sự vật gì cũng phải nhờ sự kết hợp của nhiều sự vật khác để hiện hữu và tồn tại, chứ nó không thể tự sản sinh và hiện hữu một cách độc lập; Duy Thức học gọi đó là tánh “y tha khởi” của vạn pháp.

3) Nếu xa rời khỏi hai loại bản tánh trên đây, tức là khi sự vật không còn là đối tượng “biến kế” của THỨC, đồng thời cũng không còn bị ràng buộc trong cái tướng giả tạm do nhân duyên sinh, thì sự vật sẽ hiện hữu trong bản tánh chân thật của nó. Bản tánh chân thật này siêu việt mọi khái niệm, ý thức con người không thể với tới được; chỉ có tuệ giác siêu việt của bậc giác ngộ mới thấy rõ được; và Duy Thức học gọi đó là tánh “viên thành thật” của vạn pháp.

Vậy, khi xa lìa mọi chấp trước, mọi vọng tưởng phân biệt, mọi phạm trù khái niệm, mọi điều kiện sinh diệt, thì vạn pháp sẽ hiện hữu trong thật tướng của chúng. Thật tướng đó cũng tức là chân như thường trú, mà các pháp sư Duy Thức gọi là “diệu hữu”, hay “chân hữu”. Với tuệ giác siêu việt, các bậc giác ngộ thấy rõ vạn pháp là duyên sinh, không có bản tính chân thật; hay nói cách khác, bản tánh của vạn pháp vốn là “chân không”. Điều này đã đem đến cho chúng ta một kết luận sâu sắc: “CHÂN KHÔNG tức là DIỆU HỮU”


 
luận thành duy thức 3


Luận Thành Duy Thức này được viết với mục đích khiến cho những ai có sự mê lầm ở trong hai Không mà phát sinh nhận thức chân chính. Do nhận thức chân chính mà hai trọng chướng được đoạn trừ. Bởi vì, do chấp ngã và chấp pháp mà hai chướng cùng phát sinh. Nếu chứng hai Không, các chướng ấy tùy theo đó mà bị đoạn trừ. Do đoạn trừ các chướng mà đắc hai quả vị thù thắng. Do đoạn phiền não chướng vốn dẫn đến tái sinh mà chứng chân giải thoát. Do đoạn sở tri chướng vốn cản ngại nhận thức mà đắc đại bồ-đề.

Lại nữa, vì để khai thị cho những ai mê mờ Duy thức nhầm lẫn chấp ngã và chấp pháp, khiến cho có tri kiến như thực đối với Duy thức. Hoặc có người mê nhầm lý Duy thức; hoặc chấp ngoại cảnh không phải là vô thể, như thức; hoặc chấp nội thức không phải hữu thể, như cảnh; hoặc chấp các thức có dụng sai biệt nhưng thể đồng nhất; hoặc chấp lìa tâm không có tâm sở riêng biệt. Vì để bác bỏ những chấp trước sai biệt ấy khiến cho có được nhận thức như thực ở trong lý thâm diệu của Duy thức, do đó luận này được viết.


 
luận thành duy thức 4



Trích:
Đức Phật hỏi A-nan: Ông lấy cái gì để thấy thân Phật?
A-nan đáp: Lấy tâm và mắt.
Phật lại hỏi: Tâm và mắt ở đâu?
A-nan đáp: Mắt tức phù trần căn gồm bốn đại chủng, nó ở trên mặt. Thức tâm thì ở trong thân.
Phật lại hỏi: Nếu thức tâm ở trong thân, tại sao nó không thấy ruột, gan, tim, phổi các thứ?...

Đoạn dẫn tóm tắt trên mở đầu cho chuỗi bảy lớp gạn hỏi tâm của Phật để khai ngộ A-nan. Đoạn kinh này được đánh giá rất cao trong truyền thống Phật học Trung Quốc và nhiều người do đoạn kinh này mà tìm đến nghiên cứu Phật học. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm A-tì-đàm, không những các câu trả lời của A-nan có vẻ ngớ ngẩn, mà cả đến những câu hỏi được cho là nêu lên bởi Phật cũng vô nghĩa. Truyền thống A-tì-đàm, căn cứ trên kinh điển nguyên thủy, tức các bộ A-hàm, mỗi khi nêu lên vấn đề nhận thức, thường dẫn đoạn kinh Phật nói: “Sau khi duyên đến mắt và các sắc, nhận thức mắt phát sinh.” Không riêng các Luận sư A-tì-đàm, mà cả đến các Luận sư Trung quán khi đề cập đến sự xuất hiện của thức cũng thường xuyên dẫn chứng đoạn kinh này.

Đoạn kinh khác cũng nói: “Nếu mắt nội xứ không bị hư hoại; sắc ngoại giới không lọt vào tầm nhìn, không có sự chú ý thích đáng, thức tương ứng không phát sinh…” Ý nghĩa của đoạn kinh nói rằng, bất cứ khi nào và nơi nào mà có sự tụ hội của căn và cảnh, thì khi ấy và nơi ấy thức xuất hiện.

Như vậy, không thể nói thức ở trong hay ở ngoài thân. Câu trả lời được gán cho A-nan liên hệ đến quan niệm về tự ngã của một số học phái Ấn Độ, theo đó, tự ngã là một jīva cực tiểu, tồn tại trong thân; khi nó xuất hiện nơi con mắt thì mắt thấy cảnh vật bên ngoài; khi nó xuất hiện nơi tai thì nó nghe các thứ âm thanh. Hoặc cho rằng nó lớn bằng thân lượng. A-nan tất nhiên biết rõ đoạn kinh Phật nói vừa dẫn, nên chắc chắn không khi nào lại trả lời nó ở trong thân hay ở ngoài thân. Tất nhiên, Phật không xác nhận tồn tại một tự ngã dù lớn hay nhỏ để nói nó ở trong hay ngoài thân, nên cũng không hỏi A-nan những câu hỏi như vậy. Song, người soạn kinh Lăng nghiêm, gán những điều không tìm thấy trong kinh điển nguyên thủy, và cả trong các kinh điển Đại thừa, cho Phật và A-nan, có thể ông muốn dẫn đạo người sơ cơ đi từ những câu hỏi ngớ ngẩn để tiến đến thông hiểu những vấn đề cao siêu. Nếu vậy, đây là điều mà soạn giả Lăng nghiêm đã thành công.

Xem thế đủ thấy rằng mặc dù trong các kinh điển nguyên thủy cũng như Đại thừa đề cập đến thức rất nhiều, và cũng có nhiều đoạn kinh mô tả sự xuất hiện của thức và những điều kiện cần hội đủ để xuất hiện; tuy vậy, nếu cần chỉ thẳng vào cái gì để biết nó là thức, thì điều này không đơn giản. Chính vì vậy mà khi nói đến từ “duy thức”, dù hiểu thức biến theo cách nào, nhưng vì chưa thể xác định được thức là cái gì, nên những giải thích thường trở thành vô nghĩa.

Khi ta thấy một vật, sự thấy này được thực hiện bởi mắt? Hay bởi thức? Hay bởi một cái tôi nào đó làm chủ nhận thức? Những câu hỏi như vậy không thể trả lời trong một vài dòng chữ, mà cần phải qua một quá trình chiêm nghiệm nghiêm túc và lâu dài mới có thể mong đi đến một kết luận dứt khoát…
Trích: Tuệ Sỹ (2009). "Dẫn Vào Duy Thức Học", Luận Thành Duy Thức.


 


Mục Lục:
Dẫn Vào Duy Thức Học
Tựa Quy Kỉnh
Chương 1: Ngã Và Pháp
Tiết 1: Các Quan Điểm Về Ngã
Tiết 2: Các Quan Điểm Về Pháp
Tiết 3: Tổng Kết
Chương 2: Thức A-Lại-Da
Tiết 1: Định Danh
Tiết 2: Chủng Tử
Tiết 3: Hành Tướng Và Sở Duyên
Tiết 4: Tâm Sở Tương Ưng
Tiết 5: Bản Chất Và Tồn Tục
Tiết 6: Thức Hằng Chuyển
Tiết 7: Xả A-Lại-Da
Tiết 8: Chứng Minh Sự Tồn Tại Của Căn Bản Thức
Tiết 9: Lý Chứng
Chương 3: Thức Mạt-Na
Tiết 1: Định Danh
Tiết 2: Sở Y Của Mạt-Na
Tiết 3: Sở Duyên Của Mạt-Na
Tiết 4: Tính Tướng Của Mạt-Na
Tiết 5: Tâm Sở Tương Ưng
Tiết 6: Phần Vị Khởi Diệt
Tiết 7: Chứng Lý Tồn Tại
Chương 4: Về Sáu Thức
Tiết 1: Các Đặc Tính
Tiết 2: Tâm Sở Tương Ưng
Tiết 3: Phần Vị Hiện Khởi Của Sáu Thức
Chương 5: Sở Biến Của Thức
Tiết 1: Biến Thái Của Thức
Tiết 2: Chứng Minh Giáo Nghĩa Duy Thức
Tiết 3: Duy Thức Duyên Khởi
Tiết 4: Chủng Tử Và Hiện Hành
Chương 6: Tiến Trình Sinh Tử
Tiết 1: Giải Thích Văn Nghĩa
Tiết 2: Mười Hai Hữu Chi
Chương 7: Ba Tự Tính
Tiết 1: Định Nghĩa
Tiết 2: Các Vấn Đề
Tiết 3: Ba Vô Tính
Chương 8: Thể Nghiệm Của Thức
Tiết 1: Tư Lương Vị
Tiết 2: Gia Hành Vị
Tiết 3: Thông Đạt Vị
Tiết 4: Tu Tập Vị
Tiết 5: Cứu Cánh Vị
Tụng Kết Nguyện
Thư Mục Trích Dẫn
Từ Vựng Sanskrit - Việt - Hán
Sách Dẫn



 
thông tin cuối bài viết
     

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây