Trích “Lược Sử Truyền Dịch – Kết Tập Và Bộ Loại”:
1. Hình Thức Kết Tập:
Tăng nhất A-hàm (Skt. Ekottarāgama) được kể là bộ thứ tư trong bốn A-hàm. Thứ tự này không nhất trí giữa các bộ phái, tùy theo mức độ trọng thị đối với mỗi bộ. Phật giáo sau khi phân thành các bộ phái, mỗi bộ hầu như đều có riêng một hệ thống Thánh điển. Điều có thể nói hầu như khẳng định rằng tất cả các hệ Thánh điển này đều là phiên bản của một hệ Thánh điển nguyên thủy, mà các bộ cùng ghi nhận như nhau, được kết tập lần đầu tiên tại thành Vương Xá bởi năm trăm Đại A-la-hán. Đây được cho là hệ chính thống. Nhưng vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy một số ý kiến không nhất định thừa nhận toàn bộ Phật ngôn được kết tập bởi Đại hội này là hoàn toàn trung thực. Ý kiến tương phản giữa Đại Ca-diếp và Phú-lâu-na sau kết quả được công bố, như được ghi chép trong luật Tứ phần, cũng như trong Tiểu phẩm Luật tạng Pāli, chứng tỏ điều này. Dầu sao, ý nghĩa chính thống cần được trọng thị, vì sự hòa hiệp của Tăng đoàn sau khi đức Phật tịch diệt. Hình thức Đại hội, cũng như nội dung kết tập, theo ghi chép trong các tài liệu Hán tạng và Pāli hiện có, trên đại thể đều nhất trí. Chính do điều này mà có thể tin tưởng rằng Thánh điển truyền thừa riêng biệt của các bộ phái xuất xứ từ một hệ nguyên thủy và được thừa nhận bởi đại đa số là chính thống. Tất nhiên một số khác biệt phải có, theo cách nhìn của mỗi bộ phái. Điểm khác biệt quan trọng cần nói ở đây, trước hết, là thứ tự các kinh. Một cách tổng quát, có hai loại thứ tự được ghi nhận:
(1) Trường, Trung, Tạp, Tăng nhất: thứ tự này được ghi chép trong Luật tạng của các bộ Ngũ phần (Hóa địa bộ), Ma-ha-tăng-kỳ (Đại chúng bộ), Tứ phần (Đàm-vô-đức), và Pāli.
2) Tạp (Tương ưng), Trung, Trường, Tăng nhất: thứ tự ghi bởi Tì-nại- da tạp sự của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ. Trung gian còn có những thay đổi.
Thứ tự nêu trên, luật Tứ phần, thuộc Pháp tạng bộ (Dharmagupta), chép như sau: “Tập hợp các kinh dài thành Trường A-hàm. Tất cả các kinh vừa, thành Trung A-hàm. Từ một sự đến mười sự. Từ mười sự đến mười một sự, thành Tăng nhất A-hàm. Tập hợp các kinh liên hệ Tỷ-kheo, Tỷ- kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, chư Thiên, Đế Thích, Ma, Phạm vương, thành Tạp A-hàm. Như thị kinh, Sanh kinh, Bản kinh, Thiện nhân duyễn kinh, Phương đẳng kinh, Vị tằng hữu kinh, Thí dụ kinh, Ưu-bà-đề-xá kinh, Cú nghĩa kinh, Ba-la-diên kinh, Tạp nan kinh, Thánh kệ kinh; những kinh như vậy tập hợp thành Tạp tạng". Thứ tự bộ loại này hoàn toàn phù hợp với Pāli, gồm năm tạng A-hàm tương đương năm bộ Nikāya.
Luật Ngũ phần, thuộc Hóa địa bộ (Mahīśasāka), ghi nhận thứ tự cũng tương tự, gồm năm tạng A-hàm, nhưng trong đó có chi tiết không nhất trí, chỉ về hình thức kết tập. Đại Ca-diếp hỏi A-nan câu hỏi đầu tiên: Phật thuyết kinh Tăng nhất ở đâu? Kinh Tăng thập ở đâu? Tiếp đến, kinh Đại nhân duyên, Tăng-kỳ-đà, Sa-môn quả... Do chi tiết này mà nghi vấn được đặt thành, phải chăng theo đây Tăng nhất A-hàm được kết tập trước tiên, rồi mới đến Trường A-hàm. Sự đảo lộn thứ tự như vậy tất do phát triển về sau. Nhưng nghi vấn này không hoàn toàn chính xác. Vì tăng nhất đến tăng thập ở đây đều thuộc trong Trường A- hàm, mà bản Hán dịch hiện tại vẫn còn thấy. Pháp tạng và Hóa địa đều là những bộ phân nhánh từ Thượng tọa bộ (Sthāvira) nên hệ thống Thánh điển truyền thừa có thể gần nhất trí. Thế nhưng, thứ tự được ghi nhận trong phẩm Tựa của Tăng nhất A-hàm Hán dịch này đặt Tăng nhất lên hàng đầu, và cũng được cho là trọng yếu nhất trong các bộ Thánh điển. Theo ý kiến phần đông các nhà nghiên cứu, Tăng nhất A-hàm Hán dịch thuộc Đại chúng bộ (Mahāsanghika). Nhưng thứ tự được ghi trong luật Tăng-kỳ” thì không như vậy. Thứ tự theo đó vẫn là Trường, Trung, Tạp, Tăng nhất và Tạp tạng là cuối cùng. Do sự không nhất trí như vậy, cho nên quan điểm được bổ túc là cho rằng đây thuộc Đại chúng bộ hậu kỳ.
Nói rằng Tăng nhất A-hàm Hán dịch thuộc Đại chúng bộ, điều này cũng có cơ sở. Tăng nhất, phẩm 33 kinh số 2, truyện kể Tôn giả Thi-bà-la được gia chủ cúng dường “trăm nghìn lượng vàng” nhưng không nhận, nói rằng “Như Lai lại không cho phép Tỳ-kheo nhận trăm ngàn lượng vàng.” Vị gia chủ đến bạch Phật, thỉnh nguyện cho Thi-bà-la nhận, để ông được phước. Phật cho gọi Thi-bà-la đến, bảo rằng “Nay ngươi hãy nhận trăm ngàn lượng vàng của gia chủ này, để ông ấy được phước này. Đây là nghiệp duyên kiếp trước, nên hưởng báo này.” Thị-bà-la, đồng nhất với Pāli, được Phật xác nhận là vị Thanh văn có nhiều lợi dưỡng nhất, nghĩa là giàu nhất, nhưng không nơi nào, kể cả trong các kinh Hán dịch khác, nói Phật cho phép Thi-bà-la nhận vàng cúng dường bởi thí chủ.
Điều này rõ ràng các vị Đại chúng bộ muốn hợp pháp hóa chủ trương Tỳ-kheo được phép nhận tiền, yếu tố dẫn đến đại hội kết tập lần thứ hai tại Tì-da-ly như được biết. Việc quy định Tỳ-kheo không được phép cầm nắm và cất giữ vàng bạc, tiền, thuộc điều khoản ni-tát-kỳ ba-dật-đề mà tất cả các luật bộ của các bộ phái trong cả ba hệ ngôn ngữ hiện còn: Pāli, Hán và Tây Tạng, đều hoàn toàn nhất trí. Nguyên văn Hán dịch điều khoản này hoàn toàn phù hợp với văn Pāli, nhưng nguyên văn Phạn bản hiện được phát hiện và ấn hành bởi Pachow & Ramakanta không còn hoàn toàn như trước. Rõ ràng có sự thay đổi, có thể sớm nhất là sau đại hội kết tập Tì-da-li. Những thay đổi này thật sự quan trọng; nó cho thấy lịch sử phát triển chế độ Tăng-già từ nguyễn thủy trải qua các giai đoạn biến đổi kinh tế - chính trị - xã hội, nơi mà các Tỳ-kheo sống và hành đạo. 2. Ý Nghĩa Tăng Nhất
Việc đưa Tăng nhất lên hàng đầu trong thứ tự liệt kê, không nên xem đây là sự ngẫu nhiên, hay chỉ là vấn đề thuận tiện hoặc tiện lợi trong khi tường thuật. Nó cho thấy mối quan hệ giữa Tăng đoàn hoằng pháp với quảng đại quần chúng, và đây cũng là điểm trọng yếu trong sự phát triển của Đại thừa. Cho nên, thứ tự mà Đại trí độ tường thuật cũng là vấn đề đáng lưu ý. Tuy có ý kiến cho rằng tác giả của Đại trí độ không phải là Long Thọ của Trung luận, điều chắc chắn không thể phủ nhận đây là tác phẩm lớn của Đại thừa. Đại trí độ chấp nhận thứ tự các A-hàm như thế, điều này muốn nói rằng Thánh điển nguyên thủy mà các nhà Đại thừa trong truyền thừa của luận Đại trí độ là các A-hàm của Đại chúng bộ, hay rõ hơn, Đại chúng bộ hậu kỳ.
Thế nhưng, không phải tất cả Đại thừa đều tụng A-hàm của Đại chúng bộ như là Thánh điển chính thống. Luận Du-già sư địa, phái Du-già hành (Yogācāra) truyền thừa bởi Vô Trước, đưa Tạp A-hàm lên hàng đầu và xem như bộ phận nền tảng của toàn bộ Phật ngôn. Các điểm giáo nghĩa của Tạp A-hàm được luận giải trong Du-già sư địa chứng tỏ phần A-hàm này được kết tập bởi các nhà Hữu bộ (sarvāstivādin).' Vậy, chỉ một bộ phận của Đại chúng bộ về sau phát triển thành Đại thừa, hay được chấp nhận bởi các nhà Đại thừa. Nhiều chi tiết trong Tăng nhất này cung cấp một số dữ kiện để lý giải ý nghĩa lịch sử này. Thứ nhất, về yếu tố vừa mang tính hệ thống, vừa hàm tàng nghĩa lịch sử.
Trước khi nhập Niết-bàn, Đức Phật đã nêu bốn nguyên lý, gọi là bốn “đại giáo pháp” Về sau, khi các bộ phái xuất hiện, tranh luận về giáo nghĩa, vẫn dẫn bốn nguyên lý này để chứng minh quan điểm chính thống của mình, nhắm loại bỏ những kinh nào mà bộ phái mình không tụng đọc. Hóa ra, trong lịch sử phát triển giáo nghĩa, chưa một vị đại luận sư nào được tuyệt đối thừa nhận là đã vượt ra ngoài ảnh hưởng truyền thống và thời đại của mình để thông đạt Phật ngôn một cách như thực. Cho nên, yêu cầu một hệ thống hoàn chỉnh cho toàn bộ Phật ngôn thật vô cùng quan trọng. Cũng như không cần phải uống cạn hết nước trong mọi con sông mới có thể biết được vị của của nó. Tính hệ thống đối với toàn bộ Phật ngôn cũng vậy.
Nói tính hệ thống, tức là nhu cầu tập hợp tất cả Phật ngôn thành một hệ thống mạch lạc, hoàn chỉnh; trong đó các bộ phận giáo nghĩa quan hệ với nhau một cách nhất quán, nhờ vậy mà có thể có nhận thức căn bản và phổ quát về giáo nghĩa, mà cũng nhờ vậy mà có thể ghi nhớ và truyền tụng. Đây không đơn giản chỉ là vấn đề nghe học, ghi nhớ và thấu hiểu Phật ngôn, mà còn là vấn đề duy trì tính thống nhất và chính thống của giáo nghĩa. Hai yêu cầu căn bản này tuy đã được đề cập nhiều lần bởi chính đức Phật, cũng như các đại đệ tử trong thời Phật tại thế, nhưng không được duy trì nguyên vẹn trong dòng lịch sử, bởi áp lực thời đại và địa lý. Trong 45 năm liên tục thuyết pháp, cho đủ mọi thành phần xã hội, những đề tài được nhắc đến trong Phật ngôn thật vô cùng đa dạng, vượt ngoài khả năng tư duy của một con người, bình thường và trên bình thường – có lẽ chỉ trừ rất ít bậc đại trí. Vậy, làm thế nào trong khi chỉ học một vài đề tài rồi từ đó đi sâu vào Phật ngôn để nhận thức được tinh túy giáo nghĩa? Đây là yêu cầu tính hệ thống trong sự học hỏi và tu tập theo giáo nghĩa.
"Một thời, Đức Phật đến nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp-cô-độc.
“Bấy giờ Tôn giả A-nan vào lúc xế, rời chỗ ngồi tĩnh tọa đứng dậy, dẫn các tỳ-kheo niên thiếu đi đến chỗ Phật, cúi lạy dưới chân Phật rồi ngồi qua một bên. Các tỳ-kheo niên thiếu cũng cúi lạy chân Phật, rồi ngồi qua một bên.
“Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, với các tỳ-kheo niên thiếu này, con phải răn bảo như thế nào? Dạy dỗ như thế nào? Thuyết pháp cho họ nghe như thế nào?”
“Đức Thế Tôn bảo rằng:
“Này A-nan, ông hãy nói về xứ và dạy về xứ cho các tỳ-kheo niên thiếu. Nếu ông nói về xứ và dạy về xứ cho các tỳ-kheo niên thiếu, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.”
Trước hết nói về xứ (āyatana), kế đến nói về uẩn (skandha) và sau đó là giới (dhātu). Ba bộ phận chính được nói là bao hàm toàn bộ giáo nghĩa. Mỗi bộ phận chứa đựng những yếu tố cơ bản tác thành thân, tâm và thế giới. Quan hệ tác động giữa các yếu tố này dựng thành ý nghĩa tồn tại của tất cả hữu tình, trong đó soi rõ bản chất của tồn tại, đâu là giới hạn của đau khổ, đâu là giới hạn của hạnh phúc, đâu là biên tế tận cùng của thế giới, của nhân sinh. Một hệ thống hoàn chỉnh cho phép người học tự mình khám phá, từng bước một, trải qua từng giai đoạn, từ thấp lên cao, từ cạn đến sâu. Nhanh hay chậm, tùy theo căn khí của mỗi hạng người.
A-nan thuộc hàng đệ tử đa văn, là vị đa văn đệ nhất, với khả năng ghi nhớ Phật ngôn vô cùng rộng rãi. Trong kho tàng Phật ngôn bao la ấy, làm thế nào để hướng dẫn hàng hậu bối, các Tỳ-kheo trẻ, học và hiểu; khi mà khả năng nhận thức hạn chế. Bắt đầu từ đâu, và tiến hành như thế nào; đây là suy nghĩ của A-nan, và trình mối ưu tư ấy lên Phật. Đức Phật chỉ dẫn A-nan lập thành một hệ thống bao hàm của Phật ngôn với ba bộ phận uẩn-xứ-giới ấy. Các bộ phái phát triển về sau tiếp tục xây dựng giáo nghĩa cho bộ phái của mình cũng đều y trên ba bộ phận ấy. Cho đến các nhà Du-già hành yogācārin) về sau cũng vậy. So sánh hệ thống giáo nghĩa được phô diễn trong Đại tì-bà-sa và Du-già sư địa luận sẽ thấy rõ điều này. Đấy có thể nói là hai bộ bách khoa toàn thư của hai trường phái Phật giáo khác nhau, trong đó mỗi bên nỗ lực y trên Phật ngôn để khám phá toàn bộ bản chất và ý nghĩa tồn tại của nhân sinh và thế giới. Cơ sở hệ thống cũng đều là uẩn-xứ-giới. Hiển nhiên, do tính thống nhất giáo nghĩa như vậy mà Du-già sự-địa luận đưa Tạp A-hàm (Tương ung A-cấp-ma) lên hàng đầu trong bốn A-hàm.
Ưu điểm của cơ sở hệ thống này là có thể y trên đó mà dẫn chúng Phật ngôn để đề cập tất cả mọi vấn đề về vũ trụ và nhân sinh, cho đến bất cứ vấn đề gì mà con người có thể nghĩ ra, có thể tư duy đến, trong một hệ thống nhất quán. Nhưng nó hạn chế cho một tầng lớp có căn khí nhất định. Nó duy trì tính thống nhất của Phật ngôn, nhưng thiếu khả năng phổ cập Phật ngôn trong mọi lớp xã hội. Do vậy, cần có một phương pháp khác để hệ thống hóa Phật ngôn. Đó là phương pháp Tăng nhất. Lời A-nan được ghi trong phẩm Tựa của Tăng nhất A-hàm nói: “Kinh vô lượng, làm sao tập đủ thành một tự?” Phật ngôn bao la không dễ gì tập hợp thành một tụ, do vậy phân loại thành nhiều bộ, đứng đầu là Tăng nhất. A-nan nói tiếp: “Pháp thân Như Lai không diệt mất, còn mãi thế gian không đoạn tuyệt. Trời, người được nghe, thành đạo quả. Hoặc có một pháp mà nghĩa sâu; khó trì, khó tụng, không thể nhớ; nay tôi kết tập nghĩa Một pháp. Một, một, nối nhau, không mất mối. Cũng có Hai pháp, tập thành Hai. Tăng nhất, phân loại giáo nghĩa theo số. Mỗi đề tài giáo nghĩa Phật dạy thường bao hàm từ một đến nhiều yếu tố. Y theo thứ tự tăng nhất mà tập thành toàn bộ Phật ngôn. Đây là phương pháp hữu hiệu để học, và ghi nhớ Phật ngôn; và cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để phổ biến Phật ngôn. Vì bất cứ ai cũng có thể học và nhớ, tùy theo khả năng, từ một đến nhiều đề tài giáo nghĩa, cho đến vô lượng giáo nghĩa; lần lượt từ ít đến nhiều. Tất nhiên, rồi cũng từ đó mà đi lần từ cạn đến sâu. Cũng có thể nói đây là phương pháp được áp dụng ngay trong thời đức Phật tại thế. Kinh “Chúng tập” và “Thập thượng” trong Trường A-hàm cho thấy rõ sự kiện này:
“Một thời, Phật du hành ở Mạt-la cùng với một nghìn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo, rồi đi dần đến thành Ba-bà, vườn Am-bà của Xà-đầu. Bấy giờ, vào ngày mười lăm lúc trăng tròn, Thế Tôn ngồi ở giữa khoảng đất trống với các Tỳ-kheo vây quanh trước sau. Thế Tôn đêm ấy sau khi đã thuyết pháp nhiều, bèn nói với Xá-lợi-phất :
“Các Tỳ-kheo bốn phương tụ tập về, thảy đều siêng năng, dẹp bỏ ngủ nghỉ. Nhưng Ta đau lưng, muốn nghỉ một chút. Ngươi nay hãy thuyết pháp cho các Tỳ-kheo.
“Xá-lợi-phất đáp:
“Kính vâng. Con sẽ làm theo Thánh giáo.
“Thế Tôn trải tăng-già-lê bốn lớp rồi nằm nghiêng phía hữu như con sư tử, hai chân chồng lên nhau.
“Khi ấy Xá-lợi-phất nói với các Tỳ-kheo:
“Nay trong thành Ba-bà này có Ni-kiền Tử mạng chung chưa bao lâu, nhưng các đệ tử chia ra làm hai bộ, luôn luôn tranh chấp nhau, tìm sở trường và sở đoản của nhau, mắng nhiếc nhau, thị phi với nhau rằng:
‘Ta biết pháp này. Ngươi không biết pháp này. Người theo tà kiến. Ta theo chính kiến. Ngươi nói năng hỗn loạn, chẳng có trước sau, tự cho điều mình nói là chân chính. Lập ngôn của ta thắng. Lập ngôn của ngươi bại. Nay ta làm chủ cuộc đàm luận, ngươi có điều muốn hỏi thì đến hỏi ta.
“Này các Tỳ-kheo, lúc bấy giờ nhân dân trong nước những ai theo Ni- kiền Tử đều chán ghét những tiếng cãi vả của bọn này. Đó là vì pháp ấy không chân chính. Pháp không chân chính thì không có con đường xuất ly. Ví như ngôi tháp đã đổ thì không còn tô trét gì được nữa. Đó không phải là điều mà đấng Chính Giác đã dạy.
“Các Tỳ-kheo, duy chỉ Pháp vô thượng tôn của đức Thích-ca ta là chân chính, mới có thể có con đường xuất Cũng như ngôi tháp mới thì có thể được dễ dàng trang hoàng. Vì đó là điều mà đấng Chính Giác giảng dạy.
“Các Tỳ-kheo, hôm nay chúng ta cần phải kết tập pháp luật để ngăn ngừa sự tranh cãi, khiến cho phạm hạnh tồn tại lâu dài, làm lợi ích cho số đông, cho chư thiên và nhân loại được an lạc.
“Như Lai nói một Chính pháp: Hết thảy chúng sinh đều y thức ăn mà tồn tại.
“Như Lai lại nói một Chính pháp: tất cả chúng sinh đều y các hành mà tồn tại..... MỤC LỤC:
QUYỂN 1:
Thiên Một Pháp - Phẩm Tựa
- Phẩm Thập Niệm
- Phẩm Quảng Diễn
- Phẩm Đệ Tử
- Phẩm Tỳ Kheo Ni
- Phẩm Thanh Tín Sỹ
- Phẩm Thanh Tín Nữ
- Phẩm A-Tu-La
- Phẩm Con Một
- Phẩm Hộ Tâm
- Phẩm Bất Hoàn
- Phẩm Thập Đạo
- Phẩm Lợi Dưỡng
- Phẩm Ngũ Giới
Thiên Hai Pháp
- Phẩm Hữu Vô
- Phẩm Hỏa Diệt
- Phẩm An-Ban
- Phẩm Tàm Quý
- Phẩm Khuyến Thỉnh
- Phẩm Thiện Tri Thức
Thiên Ba Pháp
- Phẩm Tam Bảo
- Phẩm Ba Cúng Dường
- Phẩm Địa Chủ
- Phẩm Cao Tràng
QUYỂN 2:
Thiên Bốn Pháp
- Phẩm Tứ Đế
- Phẩm Bốn Ý Đoạn
- Phẩm Đẳng Thú Bốn Đế
- Phẩm Thanh Văn
- Phẩm Khổ Lạc
- Phẩm Tu Đà
- Phẩm Tăng Thượng
Thiên Năm Pháp
- Phẩm Thiện Tụ
- Phẩm Năm Vua
- Phẩm Đẳng Kiến
- Phẩm Tà Tụ
- Phẩm Thính Pháp
Thiên Sáu Pháp
- Phẩm Sáu Trọng Pháp
- Phẩm Lực
QUYỂN 3:
Thiên Bảy Pháp
- Phẩm Đẳng Pháp
- Phẩm Bảy Mặt Trời
- Phẩm Chớ Sợ
Thiên Tám Pháp
- Phẩm Tám Nạn
- Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi Tám Chính
Thiên Chín Pháp
- Chín Chúng Sanh Cư
- Phẩm Mã Vương
Thiên Mười Pháp
- Phẩm Kết Cấm
- Phẩm Thiện Ác
- Phẩm Mười Bất Thiện
- Chương Phóng Ngưu
- Phẩm Lễ Tam Bảo
- Phẩm Phi Thường
- Phẩm Đại Ái Đạo Bát-Niết-Bàn
Sách Dẫn
QUYỂN 4: TỔNG LỤC
Kết Tập Và Bộ Loại
Truyền Thừa Và Truyền Dịch
- Toát Yếu Nội Dung Các Kinh
- Thư Mục Đối Chiếu
- Từ Vựng Pali – Việt – Hán
Sách Dẫn Tăng Nhất A Hàm