TRƯỜNG A HÀM - HT TUỆ SỸDịch & Chú: Tuệ Sỹ Nhà XB: Hồng Đức & Hương Tích Hình Thức: Bìa Cứng Khổ Sách: 14x20,5cm Năm Xuất Bản: 2021 Trọn Bộ: 3 Quyển Độ Dày: 8cm (trọn bộ)TAH3SÁCH VỀ LUẬN650.000đSố lượng: 10 Bộ
Giới Thiệu Bản Hán dịch Trường A Hàm hiện tại được thực hiện vào niên hiệu Hoằng Thủy 12, đời Diêu Tần (TL. 410) do Phật-đà-da-xá, sau khi đã dịch xong Luật Tứ phần. Sự kiện được ghi lại bởi Tăng Triệu trong bài tựa Kinh Trường A-hàm như sau: Niên hiệu Hoằng Thủy 12, năm Thương chương Yêm mâu (canh tuất, TL. 410) thỉnh Tam tạng Sa-môn người Kế-tân là Phật-đà-da-xá dịch hai phần Luật tạng, gồm 45 quyển. Đến năm thứ 14 thì hoàn tất. Năm thứ 15, dịch xong kinh Trường A-hàm. Đạo sỹ người nước Tần (Trung Quốc) là Đạo Hàm bút thọ. Bấy giờ, (vua) cho tập họp tất cả Sa-môn danh tiếng trong cả nước (Kinh Hạ) lần lượt hiệu định, cùng thầy Pháp ngôn, không để sai sót. Tăng Triệu là một trong những người làm công tác hiệu định, tức nhuận văn ấy.
Về tiểu truyện Phật-đà-da-xá, Xuất tạng ký tập của Tăng Hựu đời Lương chép: Tam tạng Pháp sư Phật-đà-da-xá, nước Tần (Trung Quốc) dịch là Giác Danh, (sinh) vào thời Tấn An đế. Da-xá nguyên thuộc chủng tánh Bà-la-môn, vả lại tổ tiên nhiều đời tôn thờ ngoại đạo. Thờ ngoại đạo thì không tin Phật. Có một Sa-môn đến nhà khất thực. Ông bố nổi giận, sai người nhà đánh. Sau đó, ông bố bị bịnh tay chân tê không cử động được. Nội tình bối rối, bèn đi hỏi thầy bói. Bói rằng, vì xúc phạm Hiền nhân nên bị như vậy. Ông liền tỉnh ý hiểu ra, nên cho thỉnh vị Sa-môn bị đánh ấy đến để sám hối. Vài ngày sau thì khỏi. Nhân đó, ông cho Da-xá cạo đầu làm đệ tử, lúc bấy giờ mới 13 tuổi. Một hôm Da-xá theo thầy đi xa, bất ngờ gặp cọp ở giữa đồng hoang. Thầy sợ, muốn bỏ chạy trốn. Da-xá can: “Con cọp này ăn no rồi, nó không làm hại người nữa.” Lát sau, cọp bỏ đi. Hai thầy trò đi tới một quãng, bắt gặp đống thịt bỏ dư. Trong lòng Thầy lấy làm kỳ dị về Da-xá.
Vào năm 15 tuổi, Da-xá học Kinh mỗi ngày thuộc có đến vài ba vạn lời. Nhưng vì chỗ sư trụ trì thường xuyên phải đi khất thực nên sự học cũng thường phải bỏ phế. Có một vị La-hán biết Da-xá thông minh, nên thường khất thực đem về cho. Cho đến năm 19, thọ trì học thuộc kinh điển cả Đại Tiểu thừa lên đến vài trăm vạn lời. Nhưng bản tính Sư có hơi kiêu ngạo, cho rằng trong thiên hạ khó có ai đủ khả năng làm thầy của mình. Vì vậy, Sư không được Tăng chúng ưa. Khi dù đã đủ tuổi thọ cụ túc mà vẫn làm Sa-di, vì không ai chịu làm Hòa thượng truyền giới cho.
Sư theo cậu của mình học đủ ngũ minh luận, thành thạo các pháp thuật thế gian. Cho đến 27 tuổi mới thọ cụ túc. Sư chuyên đọc, lấy đó làm công việc hằng ngày; sáng tối cần cù tay không rời lá bối. Khi không đọc thì ngồi thẳng người, trầm ngâm suy nghĩ. Vậy mà vẫn cho rằng thời gian tốt đẹp phút chốc luống qua. Sự tinh chuyên của sư, đại loại là như thế. Về sau, sư đến nước Sa-lặc. Quốc vương nước đó bệnh lâu ngày mà chưa khỏi, cho thỉnh ba nghìn tăng vào cung thiết lễ hội. Da-xá là một trong số người đến dự. Vương tử nước ấy tên là Đạt-ma-phất-đa (nước Tần dịch là Pháp Tử), trông thấy Da-xá y phục, dung mạo thanh nhã, bèn đến hỏi sư từ đâu đến. Da-xá đối đáp, lời lẽ rất khéo léo. Thái tử hài lòng, bèn mời lưu lại trong cung để cúng dường; đãi ngộ rất long trọng.
Sau đó, La-thập cũng đến đây. Thập lại theo sư thọ học Kinh Luật, rất là tôn kính. Rồi La-thập theo mẹ trở về Quy Tư, chỉ một mình Da-xá ở lại nước đó. Chẳng bao lâu, quốc vương băng, thái tử lên nối ngôi. Lúc bấy giờ Phù Kiên sai tướng Lữ Quang chinh tây đánh Quy Tư. Quốc vương Quy Tư cầu cứu Sa-lặc. Vua Sa-lặc đích thân cầm quân đi cứu viện Quy Tư, nên khẩn khoản lưu Da-xá ở lại để giúp thái tử và dặn dò công việc về sau. Nhưng quân cứu viện chưa đến thì Quy Tư đã bại. Vua kéo quân trở về, thuật chuyện Cưu-ma-la-thập bị Quang bắt đi. Da-xá hay tin, than rằng: “Tôi với La-thập gặp nhau tuy lâu mà chưa dốc hết hoài bão. Nay người ấy đã bị bắt, biết bao giờ mới gặp lại!”
Da-xá ở đây hơn mười năm, rồi lại đi về phía đông. Ở Quy Tư bấy giờ giáo pháp rất thịnh hành. Cùng lúc ấy, La-thập dừng ở Cô Tàng, khiến người đến yêu cầu Da-xá sang chỗ mình. Da-xá gói ghém lương thực muốn đi, nhưng người trong nước lưu lại. Sư lại ở đó thêm vài năm nữa. Về sau, sư nói với đệ tử: “Ta nay muốn tìm gặp La-thập. Các ngươi hãy kín đáo thu xếp hành trang. Nửa đêm, chúng ta rời. Chớ để cho ai hay.” Đệ tử can: “Giả như cho sáng mai mà đi chưa bao xa, lại bị đuổi theo bắt quay về, thì sự việc sẽ thế nào?” Da-xá bèn lấy một bát nước trong, bỏ thuốc vào, đọc chú chừng mươi lời, rồi đưa cho đệ tử, bảo hãy rửa chân. Ngay đêm đó thầy trò xuất phát. Cho đến sáng thì đã đi vài trăm dặm.
Sư hỏi đệ tử: Có cảm giác gì? Đáp: Chỉ nghe tiếng gió vù vù trong lỗ tai. Còn mắt thì đổ lệ. Da-xá lại đọc chú vào một bát nước rồi bảo rửa chân. Nhân đó, họ dừng chân nghỉ ngơi. Cho đến sáng, họ đã bỏ xa những người đuổi theo đến vài trăm dặm. Năm Hoằng Thủy thứ 8 (TL. 406), Da-xá đến Cô Tàng. Nhưng La-thập đã vào Trường An rồi. Lại nghe chuyện Dao Hưng bức La-thập ở riêng một căn nhà và ép làm chuyện phi pháp, bèn cảm thương mà than rằng: “La-thập như tấm lụa tốt, sao lại đem bỏ vào rừng gai?” La-thập trước kia vốn từng theo học với Da-xá; nay hay tin Da-xá đã đến Cô Tàng, rất lấy làm hoan hỷ, bèn khuyên Dao Hưng sai sứ đi đón về. Hưng chưa sẵn sàng chấp thuận.
Chẳng bao lâu, Hưng khiến La-thập dịch Kinh. đi Nhưng La-thập lại nói: “Vả lại, muốn phổ biến giáo pháp vô thượng, thì cần phải làm cho văn 'nghĩa và lý thú viên thông. Bân đạo tuy có đọc tin tụng văn ấy, nhưng về nghĩa lý thì vẫn chưa tận thiện. Duy chỉ Da-xá là người hiểu sâu Kinh giáo. Nay ông ấy đang ở Cô Tàng, ngưỡng mong chiếu chỉ mời về đây để tôi có thể tham hỏi. Một lời phải ba lần gạn hỏi cho tường tận rồi mới hạ bút, như vậy thì những lời thâm thúy mới không bị sai sót, được tin tưởng cho đến nghìn sau.”
Dao Hưng chấp thuận, sai sứ đi mời, lại thêm lễ vật trọng hậu. Da-xá không nhận, cười mà nói rằng: “Chiếu chỉ vua ban xuống, tất phải vội vã mà thi hành. Vả lại, sự đãi ngộ của đàn-việt đối với kẻ sỹ cũng rất nồng hậu. Còn như, nếu theo ý kiến của La-thập thì tôi chưa dám vâng mệnh.” Dao Hưng thán phục về sự thận trọng ấy, lại sai sứ lần nữa đốc thúc, Da-xá mới chịu đến Trường An. Hưng đích thân ra đón, rồi cho lập một tòa khách sảnh trong vườn Tiêu dao, với đầy đủ tứ sự cúng dường. Nhưng Da-xá không nhận thứ gì cả. Mỗi ngày, cứ đến giờ thì ôm bát đi khất thực.
Con người Da-xá vốn có râu đỏ, lại giỏi luận Tì-bà-sa. nên mọi người gọi biệt hiệu là Tì-bà-sa Râu Đỏ. La-thập tôn làm bậc thầy về mặt này, và cũng gọi là Đại Tì-bà-sa. Tứ sự cung dưỡng, như y bát, ngọa cụ, đầy cả ba gian nhà mà sư chẳng quan tâm. Dao Hưng bèn cho đem bán đi, để dựng chùa chiền. Da-xá trước kia vốn chuyên tụng luật Tử phần. Bấy giờ sư được yêu cầu dịch ra. Nhưng Dao Hưng nghi chắc còn có chỗ sai sót, bèn đề nghị thử đọc bộ dược điển dài khoảng năm vạn lời. Qua hai ngày, Da-xá đọc lại suốt, không nhầm một chữ. Mọi người hết sức thán phục. Năm Hoằng Thủy thứ 12, bắt đầu dịch Tứ phần. Đến năm thứ 15 thì hoàn tất. Dao Hưng cúng cho Da-xá hơn một vạn tấm vải lụa, nhưng Da-xá không nhận gì hết. Sa-môn Đạo Hàm và Trúc Phật Niệm, hai người bút thọ, mỗi người được một nghìn tấm. Ngoài ra, 500 vị sa-môn danh đức khác cũng được cúng dường.
Về sau, Da-xá quay trở về phương Tây. Không biết cuối cùng ra sao. Điểm đặc biệt đáng lưu ý trong bản tiểu truyện do Tăng Hựu ghi chép trên lại không đề cập đến bản dịch Trường A-hàm. Tăng Hựu cũng không cho biết sau khi dịch xong Tứ phần luật, Da-xá còn làm gì nữa, mà đơn giản chỉ nói: Không biết về sau ra sao. Bản Kinh lục và truyện ký của Phí Trường Phòng, Lịch đại Tam bảo ký, viết vào đời Tùy, cũng chỉ nói y như Tăng Hựu. Thật ra, sau đó Da-xá đi về Lô sơn theo thỉnh cầu của Tuệ Viễn. Tại đó, Da-xá cùng Tuệ Viễn, và mười sáu người nữa, vừa tăng vừa tục, kết xã niệm Phật, lập thành nhóm liên xã niệm Phật gọi là Đông lâm Thập bát hiền.
Điều này được ghi chép rất rõ trong Phật tổ thống kỷ của Sa-môn Chí Bàn, đời Tống. Bản tiểu truyện này về chi tiết đều được viết theo Tăng Hựu, chỉ thêm chi tiết là dịch Trường A-hàm, và đến niên hiệu Nghĩa Hy thứ 8 thì đến Lô sơn, nhập liên xã. Dù sao, việc phiên dịch Trường A Hàm được Tăng Triệu nhắc khá rõ trong bài tựa. Tăng Triệu là đệ tử nhập môn của La-thập, tất biết rất rõ các hoạt động của Da-xá khi ở tại Trường An. Vả lại, Tăng Triệu cũng là người nhuận văn cho bản dịch. Do tài năng văn học xuất sắc, Tăng Triệu nhuận văn cho hầu hết các bản dịch của La-thập, nên được đề nghị nhuận văn cho bản dịch Trường A-hàm là điều rất dễ hiểu. Cho nên, bản dịch Trường A-hàm này được xem là có văn từ trong sáng.
Điểm cũng cần lưu ý là trong Bài tựa của Tăng Triệu, người bút thọ được ghi là Đạo Hàm; trong khi các ấn bản Trường A-hàm hiện hành đều nói Trúc Phật Niệm. Lịch đại Tam bảo ký ghi cả hai: Đạo Hàm và Trúc Phật Niệm bút thọ. Về công tác bút thọ trong các trường phiên dịch, theo như mô tả của Phật tổ thống kỷ, trước hết, vị dịch chủ ngồi giữa, đọc lên bản Phạn. Bên trái là vị chứng nghĩa, sau khi nghe, bèn thảo luận ý nghĩa của đoạn văn với dịch chủ. Vị chứng văn ngồi bên phải, nghe lại đoạn văn tuyên đọc của dịch chủ, nghiệm xem có chỗ nào sai sót. Rồi đến một vị Phạn ngữ học, chép lại bản Phạn bằng cách phiên âm ra Hán.
Bút thọ là vị thứ năm, chuyển dịch Phạn ra Hoa ngữ. Vị thứ sáu, chuyết văn, chỉnh lại cho thành văn cú. Thứ bảy, những vị tham dịch, tham khảo nguyên bản Phạn và dịch bản Hán, dò xem có chỗ nào sai sót gì không. Thứ tám, san định, cắt bỏ những chỗ văn thừa, dài dòng, thẩm định văn cú. Thứ chín, nhuận văn, trau chuốt câu văn cho hay, không quê mùa. Tống Cao tăng truyện còn mô tả vị bút thọ phải là người tinh thông hai thứ tiếng Phạn và Hoa. Về tổ chức phiên dịch Trường A-hàm không có tài liệu nào mô tả chi tiết như vậy. Trong đó, chúng ta chỉ có thể biết được ba thành phần chủ yếu.
Dịch chủ tất nhiên là Phật-đà-da-xá và hai người bút thọ là Đạo Hàm và Trúc Phật Niệm. Thêm nhiều vị khác hỗ trợ như chúng nghĩa, nhuận văn, tất phải có, và trong số này có Tăng Triệu, mà bài tựa khiêm nhượng nói: “Tôi cũng dự nghe.” Dịch trường của Cưu-ma-la-thập trong vườn Tiêu dao dưới sự bảo trợ của vua Dao Hưng, thì sự tổ chức tất phải quy mô. Công tác phiên dịch của Phật-đà-da-xá trong bối cảnh đó phải nói là rất thuận lợi, lại được các đệ tử của La-thập hỗ trợ, cho nên bản dịch có thể nói gần hoàn hảo…