THẢ TÙY DUYÊN - NGUYÊN CÁCTác Giả: Tỳ Kheo Nguyên Các NXB: Hồng Đức Số Trang: 220 Trang Hình Thức: Bìa Mềm Có Tay Gập Khổ: 14,5x20,5cm Năm XB: 2017 Độ Dày: 1,1cmTTD1VĂN HỌC PHẬT GIÁO90.000đSố lượng: 110 Quyển
Lời Tựa: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền …
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền Trong nhà có báu thôi tìm kiếm Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền” (Trần Nhân Tông)
Khi Đức Phật Thích Ca chưa tỏ ngộ được chân lý, thì thế gian vẫn chẳng tồn tại cả một trạng thái nào nhất định cả … tức luôn đổi thay (vô thường), Vạn pháp không thể tồn tại, nếu không phụ thuộc lẫn nhau (vô ngã, nhân duyên). Vì không hiểu, nắm bắt được những nguyên lý ấy nên chúng ta mãi tự làm khổ mình, khổ người …
Giáo Pháp của Đức Phật có năng lực làm chúng ta chuyển hóa nội tâm, thấu hiểu được các nguyên lý, từ đó tâm được an lạc, thân thư thái … Gọi là hiện Pháp lạc trú. Để sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, tức là ở trong chốn hồng trần mà vui trong chánh Pháp, có nhiều Pháp để thực hiện, như áp dụng nguyên tắc tùy duyên, theo tinh thần Cư Trần Lạc Đạo. “Thả Tùy Duyên”, rất hợp với nội dung quyển sách này. Những đoản văn được viết tùy theo điều kiện thực tế, và đa phần được đăng trên Văn hóa Phật giáo Việt Nam của Ban Văn Hóa Trung Ương, Tri thức Phật giáo (số Xuân, Hạ-Phật Đản, Thu-vu Lan). Nên nội dung cũng xoay quanh những chủ đề ấy. Nay, thuận theo ý quý Phật tử, người viết đã tập hợp một số bài viết nhỏ lại, thành quyển sách này. Nên mong đọc giả cũng tùy duyên mà cảm nhận. Và mặc dù người viết cũng đã nỗ lực để trình bày những kiến giải của mình một cách hoàn thiện nhất, nhưng cũng không thể tránh khỏi những lầm lẫn … Kính mong bậc thiện tri thức hoan hỷ chỉ giáo. Tỳ Kheo Nguyên Các - cẩn chí Vĩnh Nghiêm, Phật lịch 2561
Cảm Niệm Quyển sách này hình thành là nhờ sự động viên, phát tâm ủng hộ của quý Phật tử. Nhất là Phật tử Hoàng Sơn – Kim Loan đã giúp người viết đọc lại bản thảo, thiết kế, xin giấy phép xuất bản. Nơi đây, xin chân thành cảm ơn. Nguyện chánh Pháp mãi hiện hữu nơi thế gian. Nguyện Giác linh Ân sư – HT. Thích Thanh Kiểm chứng minh. Nguyện chư Thiện hữu tri thức, chư vị Thí chủ cùng đồng hành trên con đường giải thoát đắc An Lạc.
Nguyện khắp cõi chúng sanh. Đường mê thôi lạc lối, Sống tùy duyên tự tại …
Trích “Nhớ Xuân Xưa”: Sáng nay như bao ngày, sau thời công phu khuya, chúng tôi trở lại thư phòng, trước án thờ hương trầm tỏa ngát, tách trà thơm cúng Phật, ngồi nhìn làn khói bay, chén trà vẫn trong tay, chợt cơn gió vô tình, cánh mai vàng nhẹ rơi. Xuân đã về …! Cội mai già sân trước, bông đầu tiên đã nở. Chợt! Ký ức những mùa xuân xưa lại trở về …
Lúc nhỏ, mỗi khi xuân về, dù công việc có bận rộn thế nào, gia cảnh còn khó khăn, nhưng không năm nào người dân phố núi không gói bánh chưng, và luôn luôn dành một cái bánh nho nhỏ cho riêng đám nhỏ … Dù chín, mười tuổi lũ trẻ cũng đòi người lớn dạy cho gói bánh, từ khâu chọn, cắt lá, cho đến cách xếp lá vào khuôn sao cho đẹp … người lớn chỉ dạy rất kỹ, thế nhưng có thể do vẫn là đứa con nít, nên học chưa thành, dù năm nào cũng “siêng năng” học gói …! Khi luộc bánh, lũ trẻ cũng đòi thức canh cùng người lớn, mà năm nào cũng thế, nửa đường là “đào tẩu” … Thế nhưng, mùi hương của nếp mới, mùi thơm của lá dong, cho đến mùi khen khét của củi … vẫn còn đọng trong tôi mãi đến giờ …!
Khi vào chùa xuất gia, cứ tưởng không còn được chìm trong không khí chuẩn bị Tết như ở nhà, thế nhưng, khoảng mùng mười tháng chạp, chúng tăng vui nhộn bên những gốc mai cùng lặt (lẩy) lá, để mai kịp nở rộ vào ba ngày Tết. Dưới bếp, các Phật tử làm công quả bắt đầu “lên kế hoạch” gói bánh chưng, theo lời dạy của Thầy chúng tôi. Lòng tôi lúc ấy thật ấm áp …!
Rồi “ngày trọng đại” … cũng đến, hai mưới tám Tết, lực lượng cả chùa được huy động, chỗ thì người vo gạo, nơi thì Phật tử đãi đậu, đồ đậu, sau đó “ai” biết gói bánh thì ngồi gói, những người còn lại thì lo rửa nồi (thùng), đào đất làm bếp, bổ củi … mỗi người một việc. Thỉnh thoảng Thầy chúng tôi ra, khen vài câu khích lệ, không khí chuẩn bị Tết tràn ngập trong ngôi chùa lớn bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh lúc đó.
Khi bánh được xếp vào nồi, lửa đã cháy, cũng là lúc hoàng hôn buông xuống, bên ánh lửa hồng, mọi thứ dường như được pha nhuộm cái màu cam đỏ rực rỡ … Sau bữa cơm chiều, huynh đệ quây quần bên nồi bánh, để cảm nhận hương vị truyền thống, và cũng là lúc thắt chặt thêm tình đạo … Trong chúng, chúng có vài thầy biết chơi đàn ghi ta, thế là đêm canh bánh, bắt đầu với những tiết mục của vài “nghệ sĩ” miệt vườn … Lúc đó, chúng tôi (chú tiểu) mới vào chùa vài tháng, trọn vẹn cảm nhận được cuộc sống của người xuất gia, đâu phải như mọi người vẫn nói …!
Đêm về khuya, để không ảnh hưởng tới mọi người, đàn được cất đi, bên ánh lửa bập bùng tí tách, chuyện đời mỗi được nói ra, những kinh nghiệm trong cuộc sống tu học được chia sẻ. Khi ấy, chúng tôi thật sự là anh em một nhà, không còn khái niệm vùng miền, không phân biệt tôi xuất gia tại đây, anh đến từ nơi khác … Mỗi lần anh em ngồi quây quần, trao đổi, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, những khúc mắc của mỗi người, là lúc tâm đạo được củng cố, là tiền đề cho việc tinh tấn tu hành.
Ban ngày, chúng tôi được thị giả Hòa thượng cùng chúng tôi đi chợ hoa … Hòa thượng, là người có nghiên cứu nghệ thuật chơi hoa, nên mỗi cây Người chọn, Người đều đã định vị trí thích hợp để trưng bày. Thế nên, hoa thì đủ loại, như: mai, đào, quất (tắc), cúc …, còn có hoa trà, hoa hải đường từ miền Bắc gửi vào cúng, nhưng qua bàn tay sắp đặt của Hòa thượng, chánh điện chùa trở nên thật trang nghiêm … Đẹp nhưng không màu mè, sắc hương đầy đủ, nhưng không lòe loẹt, cao thấp đan xen đầy tính nghệ thuật…